Đà Lạt: Danh thắng, công trình kiến trúc đang mất dần không gian

Cập nhật: 20/05/2009
Đã từ lâu, nhiều danh thắng rất nổi tiếng của Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng dường như cho đến nay, các cơ quan chức năng của TP và của tỉnh vẫn cứ loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, sự bất cập trong phân cấp quản lý các danh thắng đã khiến các cơ quan chức năng ngày càng không có "lối ra", trong cái vòng luẩn quẩn... đổ lỗi cho nhau!

“Vây ráp” danh thắng

Đến khuôn viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt vào bất kỳ giờ nào, ai ai cũng dễ dàng nhận ra cảnh lấn chiếm đất đai để làm nhà trọ, trồng cây... Điều trước hết cần được nhắc lại: Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một trong hai danh thắng của Đà Lạt, đã được công nhận là di sản văn hoá quốc gia dạng công trình kiến trúc đặc biệt (cùng với ga Đà Lạt) vào ngày 28.12.2001. Hiện có 60 hộ lấn chiếm đất của di tích quốc gia tại đây, có gần 15 hộ xây cất nhà trọ để cho sinh viên thuê trọ.

Một di tích quốc gia khác cũng bị “vây ráp” mãnh liệt: Ga hoả xa Đà Lạt. Ga Đà Lạt là nhà ga cổ và đẹp nhất Đông Dương, đã được xếp hạng di sản văn hoá cấp quốc gia dạng công trình kiến trúc cùng với Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Người có trách nhiệm cao nhất tại nhà ga này cho biết: Hiện tại, có đến 16 hộ dân lấn chiếm gần 4.500m2 đất của nhà ga để xây dựng nhà ở và buôn bán. Điều đáng ngạc nhiên nữa là mặc dầu đây là đất lấn chiếm, nhưng một số hộ này lại được cơ quan chức năng của TP.Đà Lạt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (?).

Bên cạnh đó, một vấn nạn khác: Hiện có gần 10 hộ là CBCNV của ngành được ngành đường sắt đồng ý cho làm nhà tạm ngay trong khuôn viên nhà ga. Rồi nữa, ngay trong khuôn viên ga Đà Lạt có đến 4 con đường “tự phát”, với “tác giả” của nó là các hộ dân sống xung quanh nhà ga.

Loay hoay... rà soát

Công bằng mà nói thì chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần “ra tay” nhằm lập lại trật tự ở hai công trình kiến trúc đặc biệt nói trên, nhưng cho đến nay, kết quả mang lại dường như vẫn chỉ là con số không.

Theo ông Trương Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mới đây nhất, vào cuối năm 2008, chính quyền tỉnh đã thống nhất chỉ đạo các đơn vị hữu trách và các địa phương rà soát việc quản lý và đầu tư tất cả các di tích lịch sử và danh thắng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, đến hết quý I năm 2009, các địa phương và cơ quan hữu trách phải giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm, đồng thời triển khai đầu tư mới các sản phẩm du lịch, phù hợp với quy hoạch tại các danh thắng; trong đó có ga Đà Lạt và Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Với việc lấn chiếm công trình kiến trúc Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP.Đà Lạt đã có văn bản giao cho Phòng Quản lý đô thị cùng với Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh (Sở Xây dựng, Sở VHTTDL...) tiến hành kiểm tra, báo cáo và đề xuất hướng xử lý trước ngày 15/4/2009. Nhưng cho đến nay, mọi việc hầu như vẫn giẫm chân tại chỗ.

Còn tại công trình kiến trúc nhà ga Đà Lạt, ngay từ cuối tháng 5/2008, UBND tỉnh đã có văn bản nêu rõ: “Đối với diện tích 4.496m2, UBND TP.Đà Lạt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (có nguồn gốc thuộc ga Đà Lạt), giao cho UBND TP.Đà Lạt kiểm tra lại từng trường hợp cụ thể và xử lý theo thẩm quyền”. Trên cơ sở đó, UBND TP.Đà Lạt đã chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền “vào cuộc” với quyết tâm cao nhất.

Thế nhưng cho đến nay, đã một năm trôi qua - theo một vị lãnh đạo của Phòng Tài nguyên và Môi trường Đà Lạt - thì công việc này vẫn đang nằm ở giai đoạn... “rà soát”!

 

Nguồn: LĐ