Bảo tồn đại dương: Mang lại nguồn lợi cho du lịch và đánh bắt hải sản

Cập nhật: 25/05/2009
Bảo tồn đại dương thông qua các khu bảo tồn biển, có thể đem lại lợi nhuận cao và bền vững hơn, thông qua hoạt động du lịch và đánh bắt hải sản so với việc chỉ thuần túy khai thác như bao lâu nay vẫn làm. Đó là kết quả các nghiên cứu trường hợp mới nhất của Liên minh Bảo tồn Quốc tế (IUCN), được công bố tại hội nghị khu bảo tồn biển quốc tế, tổ chức ở Washington DC, Mỹ, nhân Ngày Đa dạng Sinh học Quốc tế hôm qua, 22/5/2009.

Một nghiên cứu ở Philippines, quốc đảo ngay cạnh Việt Nam, cho kết quả khả quan. Tại Khu Bảo tồn Biển Kulape-Batu-Batu thuộc tỉnh Tawi-Tawi của Philippines, thu nhập của ngư dân tăng 20 phần trăm chỉ một năm sau khi thành lập khu bảo tồn biển Kulape-Batu-Batu.

Tại Việt Nam, mạng lưới khu bảo tồn biển được thành lập năm 2006. Năm 2004, Bộ Thủy sản xây dựng kế hoạch thiết lập 15 khu bảo tồn đến năm 2010, chiếm hai phần trăm tổng diện tích biển nước ta.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đề xuất lộ trình 15 khu bảo tồn biển muộn hơn năm năm, tức đến năm 2015. Đến thời điểm này, Việt Nam mới xây dựng được ba khu bảo tồn biển là Nha Trang, Cù Lao Chàm, và Phú Quốc.

Theo Bộ NN&PTNT, khoảng ba đến năm năm sau khi thiết lập, các khu bảo tồn trên dần dần phát huy hiệu quả. Các khu bảo tồn biển được quản lý hiệu quả sẽ mang lại lợi ích rất lớn và lâu dài cho người dân và nền kinh tế. Trước tiên, nguồn lợi thuỷ sản ở quanh khu bảo tồn biển sau 3 - 5 năm sẽ tăng lên rõ rệt và duy trì ổn định. Ngư dân khai thác tại các vùng đó sẽ được hưởng lợi trực tiếp, đời sống của họ sẽ được nâng cao và ổn định. 

Ngoài ra, khu bảo tồn biển sẽ là nơi cung cấp các dịch vụ môi trường và sinh thái rất đa dạng như thu hút khách du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, lặn biển, khám phá đại dương... nếu có một chiến lược phát triển du lịch bền vững đồng thời có những cơ chế để người dân địa phương được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch thì lợi ích này của khu bảo tồn sẽ còn mãi. 

Bảo tồn biển gắn liền với cải thiện sinh kế người dân. Các khu bảo tồn biển tuỳ thuộc vào mục tiêu quản lý sẽ được phân thành một số vùng khác nhau nhưng ít nhất phải gồm có 3 phân khu là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu phát triển trong đó phân khu phục hồi nghiêm ngặt chiếm ít nhất 10-20% diện tích của khu bảo tồn biển để tối ưu hiệu quả bảo tồn.

Bảo tồn biển là một vấn đề mới mẻ ở Việt Nam, ngân sách đầu tư ban đầu cho một khu bảo tồn biển khoảng 16 tỷ đồng bao gồm các hoạt động: điều tra, khảo sát, xây dựng trụ sở, thả phao phân vùng, hoạt động thường xuyên cho ban quản lý… Những khu bảo tồn biển có sự hỗ trợ của các nhà tài trợ sẽ có nhiều thuận lợi hơn. 

Mạng lưới 15 khu bảo tồn biển Việt Nam năm 2015: đảo Trần, Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng), Hòn Mê (tỉnh Thanh Hóa), Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), bán đảo Sơn Trà - Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Hòn Mun (tỉnh Khánh Hòa), Cù Lao Câu (tỉnh Bình Thuận), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Nam Yết - Quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

(TTTTDL)

Nguồn: TP/VNN