Hòa Bình: Bảo tồn và lan tỏa di sản các nhà khoa học

Cập nhật: 20/10/2022
Nằm gọn trong một thung lũng, cảnh quan non nước hữu tình thuộc xã Bắc Phong, huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) là Công viên di sản các nhà khoa học (Meddom Park) thuộc Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam. Nơi đây đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị gần một triệu tư liệu, hiện vật của hơn 2.000 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực trên cả nước.

Khách từ Hà Nội tham quan tại Meddom Park.

Nguyễn Viết Định, phụ trách mảng di sản của Meddom Park lái xe điện chở chúng tôi đi một vòng thăm phong cảnh chung quanh khu vực công viên, đồng thời là Bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam, thành lập cuối năm 2021. Cũng mất cả giờ đồng hồ bởi qua các con suối Quy Thủy, Quy Tuyền hay cầu Quy Hợp, mà trên mé các sườn đồi là hàng trăm loài cây đặc hữu khác nhau, anh lại dừng lại một vài phút giới thiệu kỹ hơn về lai lịch và vai trò của chúng trong toàn bộ khu công viên. Điểm xuyết cho bức tranh thủy mặc ấy là các tòa nhà cánh bướm, cánh cam, con công tượng trưng cho các chủ đề khoa học được lưu giữ, trưng bày tại công viên. Theo Nguyễn Viết Định, từ ý tưởng táo bạo và nhân văn của GS Nguyễn Anh Trí (Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) nhằm tri ân các thầy, cô giáo và các nhà khoa học đã đào tạo, rèn giũa mình cũng như những người khác. Năm 2008, Đề án về mô hình công viên chuyên bảo quản, lưu giữ và trưng bày những thành tựu của các nhà khoa học được khởi công xây dựng. Từ chỗ chỉ 2,7ha từng bước công viên được mở rộng và nay đã phát triển lên hơn 34ha khang trang, bề thế.

Đi qua các công trình phục vụ cho các hoạt động hội nghị, hội thảo; không gian lưu trú và ẩm thực; khu vực dành cho giáo dục kỹ năng sống và vui chơi giải trí, chúng tôi dừng lại lâu hơn ở tòa nhà Quyển sách, điểm nhấn của bảo tàng và công viên. Nơi đây hiện đang lưu giữ gần một triệu tài liệu, hiện vật của hơn 2.000 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu, qua từng giai đoạn lịch sử từ năm 1945 đến nay. Kho bảo quản tài liệu hơn 200m2 được sắp đặt ngăn nắp, chứa đựng các tri thức chuyên ngành của hàng loạt nhà khoa học tên tuổi: Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Đình Tứ, Lê Văn Thiêm, Trần Đại Nghĩa... Thu hút tôi là cuốn học bạ được giữ lành lặn hơn 80 năm của GS, NGND Phạm Đồng Điện (1920-2007) khi ông còn học ban Tú tài trường Bưởi (sau này là Trường cấp 3 Chu Văn An, Hà Nội). Trong đó có lời nhận xét ấn tượng của các giáo viên bộ môn, nhất là lời phê và chữ ký của thầy dạy môn lịch sử Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Giáo dục thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Cuốn học bạ giúp ta hiểu vì sao vào năm 1951, Bác Hồ và Đảng ta đã chọn Phạm Đồng Điện trong số 21 người ở thời điểm đó gửi sang Liên Xô học tập để sau này ông trở thành chuyên gia hàng đầu ngành hóa học và là hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội (1966-1980).

Tháng 7/2015, GS Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tặng Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam tài liệu và hiện vật gắn với cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, trong đó có mẫu dấu chân bò lạ bằng thạch cao. Năm 1996, đang triển khai thực hiện đề tài thuộc Chương trình trọng điểm Tây Nguyên 2, ông đọc được thông tin của một tác giả đăng trên báo Đắk Lắk, rằng có loài bò xám xuất hiện ở khu vực đồi Cô đơn, huyện Ea Kar. Thông tin này khiến các nhà nghiên cứu động vật hoang dã quan tâm bởi bò xám là nguồn gien cực kỳ quý hiếm, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Được sự hỗ trợ của Quỹ động vật hoang dã quốc tế tại Hà Nội (WWF) và sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, GS Đặng Huy Huỳnh phối hợp Ban Khoa học-Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức các đợt điều tra khảo sát ngắn ngày và dài ngày. Sau hơn hai tháng vượt núi, xuyên rừng gặp gỡ người dân và các thợ săn địa bàn hai xã Ea Sô, Ea Knốp (huyện Ea Kar), đồng thời chụp ảnh, đo vẽ dấu chân bò lạ trên thực địa, GS Đặng Huy Huỳnh và cộng sự đã thu được “vật chứng” là mẫu dấu chân bò tót đổ bằng thạch cao. Những nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học là cơ sở để UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (tháng 4/1999) với diện tích 27.800ha. Đây là nơi có tới hơn 700 loài thực vật, 44 loài thú, gần 160 loài chim; đặc biệt Ea Sô là khu bảo tồn bò hoang dã lớn nhất ở nước ta và khu vực bởi các nhà khoa học đã phát hiện ra hàng chục đàn bò tót và bò rừng quý hiếm.

Hơn 50 năm giảng dạy và nghiên cứu, GS, NGND Hà Minh Đức (nguyên Viện trưởng Văn học, nguyên Chủ nhiệm Khoa báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) đã trao tặng Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam gần 10 nghìn tài liệu và hiện vật. Trong số nhiều tài liệu của GS Hà Minh Đức được lưu giữ tại Meddom Park, gây chú ý khách tham quan là bản chép tay tập nhật ký của nhà văn Nam Cao thời kỳ 1950-1951. Sau ba năm được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, năm 1961, Hà Minh Đức công bố chuyên luận “Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc”. Tuy nhiên ý tưởng nghiên cứu Nam Cao một cách kỹ càng và công phu vẫn đeo đẳng ông suốt nhiều năm, chỉ ngặt nỗi tư liệu về nhà văn này hết sức khan hiếm. May nhờ có mối quan hệ thân tình với nhà văn Tô Hoài (người chơi thân với Nam Cao trước Cách mạng Tháng Tám cũng như trong kháng chiến chống Pháp), nên Hà Minh Đức được tác giả “Dế mèn phiêu lưu ký” nổi tiếng cung cấp cho một số tư liệu và hiểu biết về con người và văn nghiệp của Nam Cao.

Có lần cuối những năm 60 của thế kỷ trước, GS Hà Minh Đức được nhà văn Tô Hoài cho mượn tập nhật ký của Nam Cao viết từ ngày 18/7/1950 đến 18/9/1951, thời điểm trước khi ông rời miền núi xuống đồng bằng hoạt động và chỉ hai tháng sau nhà văn Nam Cao hy sinh ở Ninh Bình. Nhưng Tô Hoài chỉ cho mượn trong một thời gian ngắn nên Hà Minh Đức nhờ một sinh viên Khoa Ngữ văn khi đó viết chữ đẹp, rõ ràng chép hộ. Phải mất trọn một tuần, bản chép tay với khổ giấy 17cmx20,5cm về tập nhật ký Nam Cao mới hoàn thành. Đây cũng là một trong những tài liệu quý giúp GS Hà Minh Đức sau này hoàn thành công trình “Nam Cao đời văn và tác phẩm”, cũng như bộ sách Nam Cao toàn tập. Điều đáng nói là từ mối thâm giao với nhà văn Tô Hoài, GS Hà Minh Đức có điều kiện tiếp cận trò chuyện và nghiên cứu để ra mắt công chúng hàng loạt chân dung nhà văn nổi tiếng lớp trước như “Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê”, “Người của một thời”, “Xuân Diệu vây giữa tình yêu”, “Huy Cận ngọn lửa thiêng không tắt”, “Tô Hoài sức sáng tạo của một đời văn”, “Tế Hanh mãi mãi hoa niên”...

Khởi công xây dựng năm 2008, đến năm 2016 mở cửa đón khách. Từ diện tích mặt bằng 2,7ha đến nay Công viên Di sản các nhà khoa học (thuộc Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam) được mở rộng lên hơn 34ha, đi liền là các công trình có kiến trúc độc đáo được mọc lên. Hằng ngày, nhất là dịp ngày lễ và cuối tuần, Meddom Park đồng thời là Bảo tàng di sản các nhà khoa học Việt Nam đón 2.000-3.000 khách tham quan, gồm đủ các thành phần: Hội cựu chiến binh, giáo viên các trường chuyên nghiệp, cán bộ công chức nhà nước nghỉ hưu và đông nhất là học sinh từ cấp THCS của Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc tìm đến tham quan, học tập kết hợp nghỉ ngơi, giải trí. Theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam thì sự ra đời của Meddom Park đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học Việt Nam. Đây thật sự là một không gian non nước hữu tình, một tổ hợp văn hóa du lịch và là trung tâm lưu trữ đa chức năng độc đáo. Tuy nhiên, để ngày càng thu hút khách tham quan, du lịch Meddom Park cần phối hợp địa phương cải tạo, mở rộng quãng đường khoảng 2km từ quốc lộ 6 vào công viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách qua lại nơi này. Mặt khác trong hoạt động trưng bày, Meddom Park nên chăng cần có các trưng bày theo chuyên đề như gian trưng bày cho các nhà khoa học nữ, về lĩnh vực khoa học - công nghệ quân sự hay các nhà khoa học vốn là đại biểu Quốc hội từ trước tới nay…

Bài và ảnh: Trung Cần

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 18/10/2022