Mũi Cà Mau - Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Cập nhật: 27/05/2009
Khu dữ trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có diện tích rộng 371.506 ha với 3 vùng: Vùng lõi 17.329ha, vùng đệm 43.309ha và vùng chuyển tiếp 310.868ha. Vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và dãy rừng phòng hộ ven biển. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái đặc trưng điển hình như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái đất ngập nước than bùn, hệ sinh thái biển...
Sự độc đáo của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau là vùng sinh thái Bãi Bồi, rừng ngập mặn Cà Mau, vùng ngập lợ rừng tràm U Minh Hạ, vùng sinh sản thủy sản vịnh Thái Lan. Do những đặc trưng trên, nên trên vùng đất này có nhiều vùng sinh quyển độc đáo.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập năm 2002 với tổng diện tích nhiên 41.862ha, trong đó diện tích đất liền là 15.262ha và phần ven biển là 26.600ha, nằm trên địa bàn hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100km. Đây là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn rất đa dạng với 93 loài thực vật thuộc 38 họ (trong đó chủ yếu là đước); có 28 loài thú thuộc 13 họ; 6 loài lưỡng cư thuộc 4 họ và 34 loài bò sát thuộc 14 họ. Nhiều loài bò sát ở Vườn Quốc gia Mùi Cà Mau được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Ngoài ra, khu vực này còn có 74 loài chim thuộc 23 họ, trong đó có 28 loài chim di trú và nhiều loài quý hiếm.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và vùng châu Á - Thái Bình Dương. Có hệ sinh thái rất đa dạng, đặc trưng là hệ động thực vật rừng ngập mặn. Thực vật đặc trưng gồm: sú, vẹt, đước, mắm, tràm.... Động vật khu vực vườn này đa dạng, gồm có: rùa, rắn, trăn, cua, các loại cá nước lợ, ba khía, sóc ... Bên cạnh mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau còn là nơi thích hợp để phát triển một số loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu khoa học ở khu cấm nghiêm ngặt; tham quan khu nuôi thú rừng; vui chơi, giải trí tại khu du lịch Công viên văn hóa Đất Mũi và khu dịch vụ tại trụ sở Vườn quốc gia. Tại đây, du khách có thể qua đêm ở nhà nghỉ trong rừng, có thể tự bơi thuyền len lỏi trong rừng; tham quan khoang nuôi một số đặc sản như ốc len, vọp, cá thòi lòi, cua…

Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.286ha nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An (huyện U Minh) và các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời). Có ba phân khu chính gồm khu bảo tồn hệ sinh thái rừng trên đất than bùn với diện tích 2.570ha, phân khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập nước có diện tích 4.961ha và phân khu dịch vụ hành chính diện tích 755 ha. Vườn Quốc gia U Minh Hạ được lập trên cơ sở chuyển từ Khu bảo tồn Vồ Dơi nhằm bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên lớp đất than bùn đặc biệt mà không nơi nào trên thế giới có được. Bảo tồn và phát triển nguồn gien các loài động thực vật quý, giữ gìn các giá trị văn hóa, di tích lịch sử nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch. Rừng tràm U Minh Hạ hiện cũng là một điểm tham quan hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Cà Mau.

Rừng đặc dụng phòng hộ ven biển là nơi nối dài và chuyển tiếp giữa hai hệ sinh thái ngập mặn và ngập nước ngọt theo mùa hình thành nhiều cảnh quan đặc sắc...

Từ đầu năm 2007, Cà Mau đã tiến hành khảo sát nhiều đợt, tổ chức hội thảo nhiều lần ở cấp tỉnh và cấp quốc gia để xây dựng đề án khu dự trữ sinh quyển thế giới. Người dân tại vùng đất tận cùng tổ quốc này nhiều năm nay đã có ý thức khai thác thuỷ sản ven bờ cũng như khai thác rừng. Những dãy rừng phòng hộ, rừng tràm nguyên sinh được quy hoạch lưu giữ. Việc Mũi Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước và bảo tồn các giá trị nhân văn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Chính quyền tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ thực hiện đầy đủ các mục tiêu hợp tác quốc tế trong mạng lưới bao gồm: Nghiên cứu khoa học, tổ chức giáo dục và giám sát ở cấp khu vực và toàn cầu, đồng thời tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng cam kết. Khi đó, người dân tại khu vực này sẽ được hưởng lợi từ nhiều phía.

Nguyên tắc đưa ra của UNESCO đối với khu dự trữ sinh quyển là nhằm tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống.


(TTTTDL)