Du lịch đảo Phú Quốc: Thiên đường đang bị đánh mất

Cập nhật: 28/05/2009
Được hình thành bởi 99 ngọn núi với những dãy rừng nguyên sinh ngút ngàn, nằm giữa quần thể 40 đảo lớn nhỏ, ôm ấp trong lòng thế giới sinh vật biển nổi tiếng thế giới như ngọc trai, bò biển..., vì thế mà hòn đảo phía tây nam tổ quốc mang tên Phú Quốc này được mệnh danh là "thiên đường du lịch".

Theo đề án của Chính phủ, đến năm 2020, Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch sinh thái biển, hằng năm thu hút từ 2 đến 3 triệu khách du lịch. Thế nhưng, "thiên đường" đang từng ngày bị đánh mất bởi nạn khai thác mang tính tận diệt thiên nhiên.

Phá bờ biển... làm du lịch biển

Đặt máy hút cát sát bờ làm sạt lở bãi biển, phá núi lấy đá cơi nới bờ biển...; thậm chí cũng với mục đích phát triển du lịch biển trên "lãnh địa" của mình, nhiều doanh nghiệp còn sẵn sàng "bức tử" cảnh quan biển, điểm nhấn đặc hữu của Đảo Ngọc, bằng cái chết dần, chết mòn mang tên "bêtông hoá"... Tất cả như nét chấm phá về bức tranh toàn cảnh của nạn kinh doanh du lịch theo kiểu tận diệt bờ biển ở đảo Phú Quốc, đang bùng nổ đến mức báo động...

Đua nhau băm nát bờ biển

Tháng 5, Phú Quốc chuẩn bị đón mùa du lịch hè, nhưng khu vực danh thắng Dinh Cậu lại "nóng" lên với chuyện "động trời": Để mở rộng bãi biển cho đơn vị trực thuộc (nhà hàng-khách sạn Hương Biển) làm du lịch biển, Cty CP du lịch Phú Quốc (Cty) phá nát xóm Cồn - bãi biển không chỉ nổi tiếng đẹp, mà còn là bức bình phong của danh thắng Dinh Cậu bên cửa sông Dương Đông. Từ Dinh Cậu nhìn sang, xóm Cồn (khu phố 3, thị trấn Dương Đông) như con thú bị truy sát, trên thân lỗ chỗ vết thương, hậu quả của trận sạt lở.

"Ngay khi phát hiện, chúng tôi đã làm đơn và trực tiếp "gõ cửa" cầu cứu, nhưng hơn 2 tháng sau, cơ quan chức năng mới đình chỉ hoạt động hút cát - khi cả xóm Cồn như đứng bên bờ vực thẳm" - cựu chiến binh Trần An than thở. Sạt lở tiến sát giàn nống (cột sàn), nhà có thể bị rớt xuống biển bất cứ lúc nào, nên cánh đàn ông phải bỏ chuyến đi biển, ngồi nhà canh chừng sinh mạng vợ con... Thậm chí, có trường hợp phải đi ở trọ vì sạt lở đã sát ngay hè nhà. Chủ tịch UBND thị trấn Dương Đông Dương Minh Hùng xác nhận: "Chiều dài đoạn sạt lở khoảng 140m bờ biển, đe dọa trực tiếp đến 17 căn nhà thuộc diện khó khăn".

Tuy nhiên, đáng lo hơn là bờ biển đẹp ngay mặt tiền của Đảo Ngọc đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Bởi theo kinh nghiệm xứ biển, sau hơn 2 tháng bị hút cát liên tục, bãi biển bị khoét thành vực thẳm (bằng chứng là khi Cty vừa đưa băng chuyên dụng dài 140m vào khắc phục, hiện trường lập tức đã mất dạng). Vì vậy, khả năng biển mang cát bồi đắp bờ là rất thấp.

Trước đó, tại khu vực Hang Yến (thị trấn An Thới), doanh nghiệp Sao Vàng cũng đã ngang nhiên phá rừng phòng hộ, lấy đá be bờ và hút cát biển để mở rộng bãi biển thuộc khu vực đất đang xin chủ trương làm du lịch.

Cuồng phong "bêtông hoá"

Thật ra, hành động băm nát bờ biển chỉ là giọt nước cuối cùng của chiếc ly tràn đầy kiểu hủy diệt thiên nhiên để làm du lịch ở Phú Quốc. Không chỉ bị gây thương tật, thiên nhiên ở đây còn bị bức tử bởi những "viên đạn bọc đường" mang tên "bêtông hoá". Các doanh nghiệp đua nhau tiến sát ra mé biển dựng lên nhà cao tầng, khách sạn... với lối bài trí tự phát đã sản sinh ra những bãi bêtông che chắn hết tầm nhìn ra biển, giết chết điểm nhấn đặc hữu của du lịch Phú Quốc.

Một trong những nạn nhân của cơn cuồng phong "bêtông hoá" này là bờ biển dài gần 4km từ thị trấn Dương Đông đến Cửa Lấp (xã Dương Tơ). Dẫn đầu là nhà hàng-khách sạn Hương Biển với công trình bờ kè đá cao hơn 1m, dài gần 500m theo hình thái uốn lượn trồi - thụt chẳng giống ai, khiến nó băm nát bãi biển tuyệt đẹp và vô giá ngay "mặt tiền" danh thắng Dinh Cậu.

Thậm chí, ngay đến "đại gia" trong làng du lịch (4 sao) như khách sạn Sài Gòn - Phú Quốc cũng dựng lên công trình bêtông án ngữ hết cảnh quan bờ biển đẹp vào loại bậc nhất Phú Quốc. Đó là chưa kể đến nhiều, rất nhiều diện tích đất trong các khu du lịch ven biển ở đây cũng được bê nguyên xi cấu trúc trải bêtông từ những khu du lịch đô thị trong đất liền.

Đáng lo hơn là nhiều kiến trúc ở đây được sao chép một cách tùy tiện... từ các công trình ngoại quốc, mà không tính toán đến sự hòa hợp với cảnh quan xung quanh, đã sản sinh ra những bãi bêtông quái dị... Điển hình là khu du lịch Ngàn Sao. Trên bãi biển khoảng 300m2, chủ nhân của nó đã bày biện ra nhiều khối bêtông mô phỏng biểu tượng từ các quốc gia trên thế giới, như: Sư tử biển phun nước (Singapore), Nhà hát Opera (Australia), quạt gió (Hà Lan)... trông thật quái đản!

Nguồn: LĐ