Việt Nam lần đầu tổ chức tuần lễ biển đảo

Cập nhật: 03/06/2009
Ngày 1/6/2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức phát động hưởng ứng Cuộc thi “Tìm hiểu về biển và hải đảo Việt Nam” kết hợp với phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ 1-8/6) hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6), nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển đảo Việt Nam.

Ngày Đại dương thế giới 8/6 được nhen nhóm từ năm 1992 từ sáng kiến của Canada, được hơn 50 quốc gia và hơn 300 tổ chức duy trì kỷ niệm hằng năm. Nhưng năm 2009 là  năm đầu tiên Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua chính thức việc kỷ niệm ngày này với chủ đề “ Chúng ta chỉ có chung một đại dương, một bầu khí quyển và một tương lai”.

Tại Nghị định số 25/NĐ-CP ngày 6/3/2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trong điều 23 đã quy định nhiệm vụ “Tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (ngày 8/6 hàng năm)”.

Như vậy, bắt đầu từ năm 2009, Tuần lễ này sẽ được tổ chức thường niên (01-08/06) gồm nhiều hoạt động, sự kiện và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, có nội dung đến phát động thi đua, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đưa ra các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, đảo, quảng bá những hình ảnh đẹp, những tiềm năng thế mạnh của biển trong phát triển kinh tế, vai trò, vị trí chiến lược của biển trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ...

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Nguyễn Văn Cư cho biết, nhân dịp này, Tổng cục sẽ tổ chức một số hoạt động như: đêm giao lưu ca nhạc “Biển đảo quê hương”; phối hợp với Tổng cục Môi trường, UBND TP. Hải Phòng tổ chức Ngày Môi trường Thế giới và Ngày Đại dương thế giới; phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan, đoàn thể của tỉnh tổ chức phát động “Chiến dịch làm sạch biển, đảo” và ra quân làm sạch Vịnh Hạ Long; tổ chức tọa đàm “Đại dương đối với biến đổi khí hậu và an ninh sinh thái”, trong đó sẽ giới thiệu “Tuyên ngôn Đại dương Manado” vừa thông qua tại Hội nghị Đại dương Thế giới tháng 5 vừa qua.

“Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam” năm 2009 với các hoạt động thiết thực đối với đất nước và bắt nhịp với yêu cầu thời đại, sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững đại dương, đối với việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Từ đó, khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, lòng tự hào, ý thức dân tộc của mọi người dân Việt Nam đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, đối với chính cuộc sống của cộng đồng và đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển lâu dài của đất nước, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển.

Việc lần đầu tiên, năm đầu tiên tổ chức kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới 8/6 và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-8/6) được xem là một mốc quan trọng của công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở nước ta nói chung và quản lý biển, hải đảo nói riêng.

 

Việt Nam là một quốc gia biển lớn trong vùng Biển Đông với đường bờ biển dài trên 3.260km (không tính bờ các đảo) và không gian biển rộng (diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km²­­­­) chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với trữ lượng và quy mô thuộc loại khá. Ven bờ biển có trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ các loại với tổng diện tích khoảng 1.700 km²­­­­, trong đó có 3 đảo có diện tích lớn hơn 100 km²­­­­ , 23 đảo có diện tích hơn 10 km², 82 đảo có diện tích lớn hơn 1km² và khoảng trên 1.400 đảo chưa có tên. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm án ngữ ngoài khơi, cũng như nhiều khu vực địa lý quan trọng ở ven biển đã tạo cho vùng biển nước ta vị trí địa lý kinh tế và địa chính trị trọng yếu.

Nguồn: CPV