Du lịch và môi trường biển

Cập nhật: 04/06/2009
Du lịch biển đã trở thành nhu cầu thiết thực của nhiều người. Biển đem lại cho ngành du lịch lợi thế, nguồn thu và khả năng phát triển rất lớn. Để phát triển du lịch, chúng ta cần một môi trường trong sạch, thân thiện, lành mạnh của biển.

Tác động hai chiều

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Việt Nam một nguồn tài nguyên biển trên chiều dài 3260km bờ biển, 3000 hòn đảo, 44 vịnh, 12 đầm phá, 1120 rạn san hô, 252500ha rừng ngập mặn, thảm có biển phân bố đều từ Bắc vào Nam. Vùng ven biển tập trung 30% dân số cả nước. Với lợi thế có nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng như Đồ Sơn (Hải Phong), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hoá), Nha Trang (Kháng Hoà), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Ngoài Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên nổi tiếng, chúng ta còn có những vùng sinh thái, những khu sinh quyển, những vườn quốc gia, những hòn đảo đẹp như Bạch Long Vĩ, Cát Bà, bán đảo Sơn Trà, Côn Đảo, Phú Quốc, vùng rừng ngập mặn Cần Giờ...Vườn quốc gia Cát bà đẹp đa dạng với 745 loài thực vật bậc cao, thuộc 495 chi, 149 họ. Hệ động vật nhiều loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam như voọc đầu trắng, trên thế giới chỉ có ở Cát bà.

Trên bán đảo Sơn Trà có ngọn núi cao 696m, rừng trên bán đảo là nơi giao lưu của hai hệ động thực vật Bắc-Nam gồm 298 loài thực vật cao cấp thuộc 271 chi, 90 họ; hơn 100 loài động vật có những loài quý hiếm như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, đặc biệt là có hơn 400 con voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là nữ hoàng linh trưởng. Cần Giờ là rừng ngập mặn điển hình của biển nhiệt đới. Sân chim tự nhiên có diện tích trên 100 ha,có tới 160 loài, chiếm 34% tổng số loài chim ở Việt Nam, có 9 loài quý hiếm trong sách đỏ, có 700 loài động vật thuỷ sinh không có xương sống, 137 loài cá, 40 loài động vật có xương sống, có thảm rừng ngập mặn Vàn Sát, cảnh đẹp Đầm Giơi. Nơi đây còn phát hiện khu mộ cổ chum,300 ngôi, một di chỉ văn hoá OC EO chỉ có ở Việt Nam. Trong quy hoạch, Cần Giờ sẽ có một khu đô thị trung tâm du lịch, thương mại 872ha, một bảo tàng sinh thái.

Vùng kinh tế động lực Việt Nam đang hướng ra biển, vì thế du lịch biển luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Những năm gần đây, Việt Nam được nhiều khách quốc tế lựa chọn là điểm tham quan, nghỉ dưỡng, kể cả nghiên cứu khoa học. Trong đó, khách đến các khu du lịch biển chiếm tới 2/3 và doanh thu du lịch biển cũng chiếm tới 70% doanh thu toàn ngành. Nhiều dự án, công trình phục vụ du lịch dọc bờ biển luôn được nâng cấp và xây mới. Du lịch biển cũng giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho hàng nghìn lao động.

Tuy nhiên, du lịch biển của nước ta vẫn đang ở dạng tiềm năng, lại đang đối mặt với nhiều khó khăn bất cập chưa giải quyết được. Vấn đề hàng đầu là báo động ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến du lịch và các dịch vụ khác. Nguyên nhân làm ô nhiễm có rất nhiều, như sự phát triển các hoạt động khai thác tài nguyên biển, chặt phá rừng, nước từ những dòng sông ô nhiễm đổ ra biển, những phế thải từ nội địa, bến cảng, trên các phương tiện giao thông vận tải, sự cố tràn dầu... từng ngày đổ vào biển. Hậu quả là các giá trị tự nhiên đang ngày càng suy thoái. Biển đang đục hoá, điển hình là bãi tắm Đồ Sơn, Cát Bà, do phá rừng mà từ năm 1960-1992 lưu lượng nước tăng từ 1km3/năm lên 12,9km3/năm, hàm lượng phù sa từ 20g/m3 lên 340g/m3. Nước đục và ô nhiễm làm các rạn san hô chết, gãy nát, sinh vật chết nhiều.

Theo các tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, 80% tài sản vô giá của biển Việt Nam như hệ sinh thái, thảm cỏ biển, rạn san hô đang nằm trong tình trạng rủi ro và 50%được cảnh báo là rủi ro cao, khó khắc phục. Tình trạng lấn biển, lấp biển ồ ạt để xây dựng các công trình phục vụ du lịch cũng đang phá vỡ sinh thái bờ và đảo, thay đổi cảnh quan môi trường. Một nghịch lý là càng nỗ lực để tạo ra sản phẩm du lịch mới, cung ứng cho du khách những tiện nghi hiện đại lại càng làm mất đi cái “ hồn” của những vùng tài nguyên thiên nhiên kể cả vùng di sản thế giới.

Quản lý môi trường du lịch biển, đảo

Phát triển du lịch biển bền vững được đặt ra một cách nghiêm túc, trên cơ sở các cuộc hội thảo, tổng kết thực tiễn và những quyết định đúng đắn của cấp quốc gia. Việc phát triển du lịch biển phải trên cơ sở một quy hoạch tổng thể cho từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm. Theo Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo do Chính phủ ban hành, việc cấp phép khi thác sử dụng tài nguyên biển và đảo phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển hải đảo, quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt. Nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển hải đảo; các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trên hải đảo, chủ phương tiện nổi trên biển có trách nhiệm báo cáo về chất thải, và phương án xử lý chất thải cho cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; nước thải từ các giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí, phương tiện nổi, của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại vùng biển Việt Nam chỉ được phép xả ra biển sau khi đã sử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Các địa phương, các tổ chức du lịch, nêu cao trách nhiệm bảo vệ môi trường bằng các biện pháp: Tổ chức truyền thông chương trình giáo dục bảo vệ môi trường; tổ chức mít tinh phát động phong trào làm sạch môi trường du lịch biển; tổ chức xuống đường tham gia làm sạch bãi biển, đường phố, các khu vực phụ cận nơi du lịch, đồng loạt ra quân thu gom rác thải trên bờ, trong vịnh và trên các tàu thuyền. Trong các ngày hội, festival biển cần có chương trình tuyên truyền vận động du khách, nhân dân tham gia bảo vệ môi trường du lịch, xem đây là một nội dung không thể thiếu.

Theo chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu tăng trưởng quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia và kinh tế biển. Do vậy, ngành du lịch biển phải tăng cường công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững, không ngừng nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xác định đối tượng khách du lịch chất lượng để vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo nguồn thu. Đó là thể hiện sự trân trọng các giá trị văn hoá thiên nhiên.
Nguồn: CPV