Hà Giang: Quang Bình giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 08/11/2022
Trong quá trình hội nhập và phát triển để bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, một số văn hóa truyền thống của các dân tộc đang bị tác động mạnh mẽ, có nguy cơ mai một, pha tạp.

Vì vậy, huyện Quang Bình đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian… gắn với phát triển du lịch (DL). Từ đó, từng bước xây dựng thương hiệu DL mang đặc trưng riêng của huyện, phát huy các hoạt động DL theo hướng DL tiêu biểu và bền vững.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn huyện Quang Bình được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Hiện nay, huyện Quang Bình có Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; 2 di tích cấp tỉnh; 5 làng văn hóa DL cộng đồng, mỗi làng đều được xây dựng dựa vào những đặc trưng khác nhau, trong đó có một làng văn hóa DL tiêu biểu đạt tiêu chí Panhou của tỉnh cùng nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống, các trò chơi dân gian các dân tộc được lưu giữ. Để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chiến lược phát triển KT – XH, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân để tạo dựng các sản phẩm DL đặc sắc, hấp dẫn du khách, huyện Quang Bình kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển DL huyện, thành lập các Ban quản lý, tổ DL từ huyện đến xã để điều hành các hoạt động DL theo một quy tắc chung; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tập trung quy hoạch, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với xây dựng hệ thống DL ở các xã có làng, điểm DL một cách đồng bộ và khoa học; tăng cường các hoạt động quảng bá hình ảnh, tiềm năng DL thông qua các kênh thông tin đại chúng; nâng cao chất lượng hoạt động của các làng văn hóa gắn với xây dựng các sản phẩm DL đặc trưng của huyện để phục vụ du khách, như: Món ăn truyền thống; xây dựng chương trình văn nghệ dân gian; lễ hội truyền thống; sản phẩm dệt thổ cẩm, nghề rèn, nghề đan lát… Duy trì, tổ chức Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Lễ cúng Mừng cơm mới của người La Chí, Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn; đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy thông qua các giờ học ngoại khóa trong nhà trường; tập trung đào tạo nguồn nhân lực… Với những giải pháp đồng bộ trong giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển DL, từ đầu năm đến nay, Quang Bình thu hút hơn 50 lượt du khách, tổng doanh thu từ các dịch vụ DL đạt trên 1 tỷ đồng.

Đua thuyền trên sông Chừng góp phần đẩy mạnh các hoạt động du lịch.

Đồng chí Chẳng Thị Liên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển DL, huyện Quang Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với quảng bá DL. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào của các dân tộc đối với văn hóa tốt đẹp của cộng đồng; vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, đẩy lùi các hủ tục, tập quán lạc hậu. Rà soát, thống kê toàn bộ các loại hình văn hóa, như: Kiến trúc nhà ở; dụng cụ lao động sản xuất; nhạc cụ; trò chơi dân gian; các nghề thủ công truyền thống… Huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào công tác bảo tồn bản sắc văn hóa; phát huy sự chủ động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện.

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển DL, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền thì nhân dân các dân tộc cũng cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chú trọng giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, để bản sắc văn hóa truyền thống quê hương Quang Bình ngày càng phát triển và DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến

Nguồn: Báo Hà Giang - www.baohagiang.vn - Đăng ngày 06/11/2022