Thăm làng nghề trăm tuổi ở Đồng Tháp

Cập nhật: 14/11/2022
Vượt chặng đường hơn 200km từ trung tâm thành phố Tây Ninh đến tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi có dịp ghé thăm làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung. Làng nghề truyền thống này đã tồn tại, phát triển hơn 1 thế kỷ.

Mô hình xuồng mini thu hút du khách.

Nhiều tỉnh, thành ở Đông Nam bộ và đồng bằng Sông Cửu Long có hệ thống làng nghề đa dạng. Trải qua hàng trăm năm thăng trầm, nhiều làng nghề vẫn tồn tại, duy trì và phát triển, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân địa phương nói riêng. Một trong những xu hướng du lịch được nhiều du khách lựa chọn trong giai đoạn hiện nay là tham quan làng nghề truyền thống, trải nghiệm, tìm hiểu cách làm sản phẩm, khám phá đời sống của cư dân làng nghề.

Năm 2005, làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh, đến tháng 4.2015, làng nghề vinh dự được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Được sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi lội bộ gần 1km, cặp theo con rạch Bà Đài, băng qua những vườn mít Thái, quýt hồng trĩu cành đến nhà ông Nguyễn Văn Tốt, tức Bảy Tốt, 63 tuổi, ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung. Đây là một trong số ít những hộ theo nghề đóng xuồng, ghe lâu năm tại đây.

Ông Bảy Tốt dành hết chái bên hông nhà để làm chỗ đóng xuồng, ghe thu nhỏ (mini). Điều ấn tượng đối với du khách khi bước chân vào căn chái này là những “đứa con tinh thần” được ông trưng bày trang trọng. Nổi bật dưới mái tôn, vách ván đơn sơ là nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận và hình ảnh ông Bảy chụp cùng du khách.

Được biết, làng nghề nay chỉ còn hơn 20 hộ theo nghề. Giao thông đường bộ ngày càng phát triển, việc vận chuyển hàng hoá đa số bằng các loại xe tải; nếu đi đường thuỷ, người dân chuyển sang mua các loại tàu vỏ sắt do giá thành rẻ hơn so với ghe đóng gỗ. Vì vậy, nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài ngày nay đối mặt với không ít khó khăn, có nguy cơ mai một.

Thấy rõ sự thay đổi của làng nghề, ông Bảy Tốt mạnh dạn chuyển đổi mô hình, làm xuồng, ghe mini. Sự tiên phong này đã giúp ông Bảy ổn định cuộc sống, theo đuổi đam mê với nghề đã gắn bó mấy thập kỷ qua. Ông Bảy Tốt chia sẻ cơ duyên đến với mô hình này là nhân dịp làm cho đứa con chiếc xuồng cui thu nhỏ tham gia cuộc thi trong trường học và giành được giải cao cùng nhiều lời khen ngợi. Về sau, sản phẩm được nhiều người yêu thích, có nhu cầu mua trưng bày, ông Bảy Tốt chuyển hướng đi mới cho nghề.

Theo ông Bảy Tốt, nhu cầu sử dụng mô hình xuồng, ghe mini làm quà lưu niệm, trưng bày đang phát triển, không chỉ có sản phẩm mang tính đặc trưng của từng địa phương mà còn có mô hình được làm theo nguyên mẫu của nước ngoài. Giá thành mỗi sản phẩm dao động từ 300 ngàn đồng đến 6 triệu đồng, tuỳ theo loại và kích cỡ.

Có 3 loại gỗ thường được sử dụng để đóng mô hình xuồng, ghe là gỗ lõi mít, gỗ mù u, gỗ me tây. Sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhiều địa điểm du lịch, nhà hàng đặt ông Bảy Tốt các loại xuồng vừa và lớn dùng để trưng bày trái cây, tạo điểm nhấn đối với du khách thập phương.

“Gia đình tôi và bên vợ đều theo nghề đóng xuồng gia truyền, có nhiều con cháu nổi tiếng với tay nghề khéo. Tôi là thế hệ thứ 4 trong gia đình theo nghề. Trước đây, tôi làm 22 mô hình, hiện tại tôi nâng cấp lên hơn 30 loại của đồng bằng Sông Cửu Long như: ghe bầu Cái Răng, xuồng Cần Thơ, ghe Cà Vom An Giang, xuồng ba lá Long An, xuồng ba lá Tháp Mười, ghe Tam Bản Bến Tre, xuồng cui, ghe ngo, xuồng cá chạch, thuyền rồng, ghe mũi chài lớn, ghe bầu... và cả mô hình tàu thuyền nước ngoài như tàu Ý, Na-Uy, tàu cứu sinh Mỹ…”- ông Bảy Tốt bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Tốt (bên phải) đang chỉnh lại một số chi tiết trên sản phẩm.

Anh Lê Trung Kiên, du khách đến từ tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi được tham quan làng nghề này. Tôi vô cùng ấn tượng khi nhìn thấy những mô hình xuồng, ghe mini. Mỗi sản phẩm được làm rất công phu và kỳ công, hệt như chiếc xuồng thật, chỉ khác là được thu nhỏ. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè và người thân ở Tây Ninh biết đến làng nghề độc đáo này”.

Ông Bảy Tốt nói thêm: “Một chiếc ghe, xuồng nhỏ cũng được thực hiện đầy đủ các công đoạn như rọc be, uốn lô, ghim lô, đóng chuốt, ốp vỏ dưa, sau đó ráp bửng, đóng sạp, đẽo mũi. Đóng chiếc xuồng lớn chỉ mất một ngày công nhưng chiếc xuồng nhỏ mất đến 10 ngày, nửa tháng. Vì càng nhỏ thì càng khó làm, đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ”.

Có thể thấy, để duy trì và phát triển làng nghề đóng ghe xuồng Bà Đài cần có sự liên kết với các khu du lịch nổi tiếng trong vùng và cả nước mở rộng hợp tác cung cấp sản phẩm ghe xuồng, giúp người làm nghề có thu nhập và giữ gìn được nghề truyền thống.

Du khách đến từ Tây Ninh thích thú cầm trên tay chiếc xuồng ba lá mini.

Những sản phẩm xuồng, ghe mini sẽ là hướng đi mới cho làng nghề Bà Đài, góp phần lưu giữ, phát triển làng nghề truyền thống, cũng như bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Bằng tình yêu cùng sự nỗ lực, tâm huyết với nghề truyền thống mà cha ông đã để lại, những người thợ mộc như chú Bảy Tốt sẽ là “ngọn lửa” nghề, cháy mãi cho hôm nay và thế hệ mai sau.

Hoàng Yến

Nguồn: Báo Tây Ninh - baotayninh.vn - Đăng ngày 14/11/2022