Hải Phòng: Gắn bảo tồn biển với ổn định cuộc sống cộng đồng

Cập nhật: 11/06/2009
Hải Phòng đang kết hợp hài hòa giữa việc quản lý các khu bảo tồn biển (KBTB) với ổn định cuộc sống của cộng đồng cư dân khu vực, góp phần phát triển và đa dạng hóa sinh học được coi là một thế mạnh của địa phương.         

Thành phố có 2 trong số 15 KBTB của cả nước là Cát Bà và Bạch Long Vĩ. Với 366 đảo lớn nhỏ rộng khoảng 290 km2, quần đảo Cát Bà có khoảng 1.140 loài động, thực vật biển gồm 199 loài thực vật, 160 loài san hô, 475 loài cá biển, 23 loài thực vật ngập mặn... Cát Bà còn có khu rừng nguyên sinh nhiệt thực vật phong phú gồm 741 loài thực vật với nhiều loại gỗ quý; 28 loài động vật, trong đó có một số loài quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam. Trên đảo Cát Bà, rừng chiếm diện tích ưu thế, đan xen là các khu dân cư rải rác, tập trung đông nhất tại thị trấn Cát Bà. Với đặc thù riêng gồm 2 hệ sinh thái vùng triều và dưới triều cùng hệ sinh thái bãi cát biển, các rạn san hô đáy cứng và đáy mềm có độ phủ 34 - 94% diện tích, KBTB Bạch Long Vĩ cũng có hệ sinh thái phong phú với 274 loài thực vật phù du và ngập mặn, 738 loài động vật biển, nhiều nhất là cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá song, cá trích... Bạch Long Vĩ còn là 1 trong 5 KBTB được ưu tiên đầu tư phát triển của hệ thống KBTB Việt Nam, xây dựng đảo trở thành đơn vị hành chính cấp huyện với hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.            

 

Hải Phòng chủ trương tạo mối quan hệ thân thiện giữa cộng đồng dân cư với các KBTB bằng việc định hướng, hỗ trợ sản xuất, tìm việc làm, góp phần tạo sinh kế ổn định lâu dài cho cư dân khu vực, giảm thiểu tác động xấu của con người đối với hệ sinh thái. Ngoài các khu vực vùng lõi thuộc KBTB được áp dụng quy chế kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không có hoặc chịu rất ít tác động của con người đối với tự nhiên, các vùng khác vẫn cho phép người dân định cư, sinh sống nhưng phải tuân thủ các quy định về quản lý, khai thác nguồn tài nguyên thuộc các KBTB.          

 

Thực tế cho thấy, việc xây dựng các chương trình sinh kế cho người dân ở các KBTB tập trung ở 3 hướng: cải thiện điều kiện sống, tăng cường các hoạt động tạo thu nhập từ sinh kế hiện tại, tìm hướng sinh kế mới thay thế. Huyện Cát Hải đã tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giúp nguời dân đi lại thuận tiện, giảm chi phí vận chuyển, dễ tiếp cận thị trường; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân, tăng nguồn lợi đầu tư kinh doanh, sản xuất tại KBTB. Huyện còn tổ chức nhiều chương trình tập huấn, trợ giúp, tạo việc làm cho ngư dân, mở dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường thuộc vùng bảo tồn biển; chú trọng hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả các dịch vụ theo hướng bền vững, không gây tác động hủy hoại môi trường. Huyện Cát Hải nghiêm cấm khai thác thủy sản có tính hủy diệt; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng  đồng về quản lý, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển, tham gia tái tạo nguồn lợi tự nhiên. Bằng việc đầu tư hơn 500 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi, hỗ trợ dân về nơi ở cùng các điều kiện sinh hoạt khác, sau 15 năm thành lập, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã bảo đảm  100% số dân từ đất liền ra định cư có cuộc sống, việc làm và thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào việc tham gia phát triển hệ sinh thái thuộc khu bảo tồn biển này.
Nguồn: TN&MT