Lập bản đồ cây cổ thụ Hà Nội

Cập nhật: 12/06/2009
Sấu, si, đa, đề, lộc vừng… những cây cổ thụ đã sống hàng trăm năm, trở nên biểu trưng cho văn hóa, đời sống tâm linh, nhân chứng của lịch sử trong nhiều năm hình thành và phát triển của Hà thành. Bởi vậy, lập một bản đồ cây cổ thụ đã được tính đến và thực hiện - một công việc vô cùng có ý nghĩa.

Ông Nguyễn Nguyên Cương, Trung tâm Giáo dục truyền thông và môi trường (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho hay, để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà khoa học của trung tâm đã đề xuất biên soạn bộ Atlas cây cổ thụ Hà Nội. Đối với Thủ đô, cây cổ thụ có một ý nghĩa rất đặc biệt. Nhiều cây là chứng tích của các kiểu thảm thực vật đã từng tồn tại và phát triển trên lãnh thổ. Nhiều cây là những nhân chứng lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước của Hà Nội nói riêng và của dân tộc nói chung. Cây cổ thụ còn gắn bó với những truyền thống văn hóa dân tộc, văn minh của nhân dân Thủ đô và là một trong những thành phố tạo nên những huyền thoại về văn hóa, lịch sử của Hà Nội.

 

Theo ông Cương, để chọn hoàn thiện được bộ Atlas này, các nhà khoa học đã phải thực hiện rất nhiều công đoạn như tổ chức hội thảo khoa học lựa chọn tiêu chí cây cổ thụ; điều tra, khảo sát để lựa chọn cây cổ thụ tại 14 quận, huyện nội, ngoại thành của Hà Nội cũ. Các chuyên gia đã thống kê được 703 cây cổ thụ đại diện cho 58 loài. Và về mặt ý nghĩa văn hóa, xã hội, lại có thể phân loại ra thành nhiều "nhánh" nữa.

 

Có những cây là "nhân chứng" lịch sử, như rặng muỗm trên 300 tuổi ở đền Quán Thánh. Ngôi đền này được xây dựng từ đời Lý Thái Tổ (1010-1028), năm 1680 dưới đời Lê Vĩnh Trị, được trùng tu và cho đúc tượng đồng đen. Những cây muỗm trong sân đền cũng được trồng từ thời đó và hiển nhiên chúng chứng kiến những sự kiện trọng đại của một thời kỳ lịch sử dài dằng dặc. Nếu biết kể chuyện, rặng muỗm sẽ cho chúng ta mường tượng lại cảnh Quang Trung đại phá quân Thanh, Pháp đánh chiếm Hà Nội, Cách mạng Tháng Tám...

 

Lại có những cây mang giá trị tâm linh như đa, si, đề, gạo… Hàng xoài trong khu lưu niệm Bác Hồ, hàng cây trôm mõ, xà cừ trong vườn Bách Thảo, hàng sao đen phố Lò Đúc mang giá trị thẩm mỹ. Thực ra đây là cách phân loại tương đối, nhiều khi gán ép thôi, vì đã là cổ thụ thì dù giống loài gì đều mang lại vẻ đẹp riêng cho từng con phố, ngõ xóm, cánh đồng... Một số cây lại mang giá trị độc đáo như cây đại ở chùa Một Cột, đền Vua Bà, hàng muỗm ở đền Quán Thánh, chùa Láng, đình Ứng Thiên, đình Giáp Nhất....

 

Bộ Atlas sẽ được giới thiệu tới công chúng vào đầu năm 2010 để kịp đón đại lễ 1000 năm Thăng Long. Sẽ có một bản đồ lớn, trên đó các cây cổ thụ sẽ được đánh dấu bằng các ký hiệu để nhìn vào là có thể biết được địa điểm vị trí của chúng. Ngoài bản đồ chung, mỗi quận, huyện cũng sẽ có một bản đồ riêng. Dưới mỗi bản đồ, 3-4 loài cây đặc trưng của từng quận sẽ được minh họa bằng các tấm ảnh chụp ở nhiều góc độ. Kèm theo đó sẽ là những thuyết minh ghi chú về các loài như tên cây, tuổi, độ cao, phân bố ở đoạn đường nào… Đặc biệt, những cây đang bị bàn tay con người và thiên nhiên đối xử "tệ hại" cũng sẽ được ghi chú rõ. Đây cũng là một hành động gián tiếp nhắc nhở từng người dân có hành động bảo vệ môi trường quanh mình.

 

Cạnh những mục đích đã nêu, những người lập bản đồ cây cổ thụ Hà Nội hy vọng cung cấp thêm điều kiện để các nhà quản lý và giới khoa học tìm hiểu về hiện trạng của cây cổ thụ đang có mặt ở Thủ đô, từ đó có những biện pháp trong việc bảo tồn chúng, quy hoạch diện tích cây xanh nói chung.

   

Một số tiêu chí lựa chọn cây cổ thụ

 

- Là cây gỗ sống lâu năm, tính từ 100 tuổi trở lên, được trồng, sinh trưởng và phát triển thích nghi với điều kiện tự nhiên Hà Nội.

- Là cây có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa gắn liền với đời sống tâm linh và với các thời kỳ phát triển của lịch sử Hà Nội.

- Là cây ghi dấu ấn kỷ niệm với tên tuổi các danh nhân văn hóa, cây có giá trị về mặt thẩm mỹ…

- Là loài cây quý hiếm có nguồn gen đặc biệt và giá trị kinh tế cao đã được trồng ở Hà Nội…

- Những loại cây thế, cây bonsai không được coi là cổ thụ dù có thể tới trên 100 tuổi.

 

Sự phân bố cây cổ thụ trên các quận là không đồng đều, chủ yếu ở các quận Ba Đình (280 cây), Hai Bà Trưng (100 cây), phần lớn trồng trước thế kỷ 20. Ngoài ngoại thành, cây cổ thụ thường ở trong các đình, đền, chùa và là những cây còn sót lại và được bảo vệ trong quá trình đô thị hóa. Phần lớn cổ thụ ở các huyện cũng đang có nguy cơ bị tác động mạnh từ con người và từ quá trình đô thị hóa nông thôn.
Nguồn: HNM