Mối quan hệ giữa du lịch và môi trường: Điện mặt trời hỗ trợ phát triển du lịch, môi trường

Cập nhật: 17/06/2009
Trong bối cảnh thiếu điện thường xuyên trong khi đầu tư thủy điện cần vốn lớn, nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt và đắt đỏ, ngành chức năng đang hướng người dân đến việc sử dụng các nguồn năng lượng mới. Điện mặt trời hỗ trợ phát triển du lịch, bảo vệ môi trường bước đầu đã được triển khai ở Việt Nam, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và còn quá nhỏ bé so với tiềm năng.

“Nhu cầu điện năng của Việt Nam đến 2010 phải từ 150 tỉ KWh trở lên. Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ, hàng năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu tấn than, 20 triệu tấn dầu thô và 35 tỉ KWh điện, gấp 10 lần so với sản lượng điện năm 1985.

Việt Nam là nước có số giờ nắng trung bình khá cao, rất thích hợp phát triển điện mặt trời. Ở các tỉnh phía Nam số giờ nắng trung bình khoảng 6,5 giờ/ngày, ở các tỉnh phía Bắc, số giờ nắng trung bình chỉ đạt 4,1 giờ/ngày, và cường độ bức xạ trung bình khoảng 4 KWh/m2 ngày.

Các tỉnh phía Nam và Tp.HCM mặt trời chiếu quanh năm, ổn định định kể cả vào mùa mưa. Bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên to lớn cho các tỉnh miền Trung, miền Nam và Tp.HCM trong quá trình phát triển mạng điện mặt trời.

Mạng điện mặt trời cục bộ (Madicub) mở ra khả năng cạnh tranh lớn cho điện mặt trời và đặc biệt tạo dấu ấn trong lãnh vực hỗ trợ phát triển du lịch, du lịch sinh thái bảo vệ môi trường. Ưu điểm nổi bật của mạng Madicub là tận dụng mọi nguồn năng lượng sẵn có tại chỗ để thiết lập một mạng điện cục bộ ở “mọi lúc, mọi nơi” và phục vụ tốt cho mọi nhu cầu.

Cuối tháng 11/2000, thuyền du lịch văn hoá điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á được lắp đặt tại thị xã Hội An. Đề tài này do SIDA Thụy Điển tài trợ trong khuôn khổ “Chương trình công nghệ năng lượng mới ở châu Á”.

Nguồn điện mặt trời trên du thuyền còn phục vụ cho bơm nước, thoát nước dưới hầm tàu, đặc biệt là giải pháp bơm áp lực cấp nước sinh hoạt cho du khách trên boong tàu, một nhu cầu cấp thiết thường xuyên trên mỗi chuyến hải trình. Hoạt động từ tháng 11/2000, tính đến nay hệ thống điện mặt trời đã phát được 12.800 KWh điện giảm được 11,520 tấn CO2 phát xạ vào khí quyển.

Khu Resort điện mặt trời Sao Việt-Núi Thơm 5 sao ở tỉnh Phú Yên, trở thành khu nghỉ dưỡng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ điện mặt trời hỗ trợ phát triển du lịch.

Điện mặt trời hỗ trợ phát triển du lịch, bảo vệ môi trường bước đầu đã được triển khai ở Việt Nam, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và còn quá nhỏ bé so với tiềm năng. Trước thảm hoạ về nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam sẽ chịu nhiều hậu quả nặng nề, chúng ta cần phải triển khai mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính...”.

 

(Ông Trịnh Quang Dũng - Phân Viện vật lý Tp.HCM, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam)

Nguồn: Theo VnEconomy