Thái Nguyên: Những người giữ hồn cốt di sản

Cập nhật: 01/12/2022
Tỉnh Thái Nguyên vừa có thêm 6 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Đây là những nghệ nhân có nhiều cống hiến, tiêu biểu trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

NNƯT Bàn Văn Thanh hiện đang gìn giữ nhiều cuốn sách về phong tục tập quán của người Dao quần chẹt và tiếp tục sao chép các sách gốc để bảo tồn, truyền dạy cho các thế hệ sau.

Các nghệ nhân được trao tặng danh hiệu NNƯT lần này thuộc 2 lĩnh vực: Nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm các nghệ nhân: Hoàng Văn Mùi đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể là Nghệ thuật khèn của người Mông; Nguyễn Thị Xuyến nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể Hát then - Đàn tính); Tập quán xã hội và tín ngưỡng (gồm các nghệ nhân: Bàn Văn Thanh và Đặng Văn Tâm nắm giữ các nghi lễ theo tập quán của người Dao và chữ Nôm Dao;  Hoàng Trọng Quý nắm giữ các nghi lễ Soọng Cô của người Sán Dìu; Hoàng Văn Hải nắm giữ Then, Phong slư của người Tày).

Những kho tư liệu là cuộc sống, là tình yêu

Nghệ nhân Hoàng Văn Mùi, ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), là người có uy tín trong cộng đồng, nắm giữ tri thức và thực hành nghệ thuật khèn của dân tộc Mông. Với năng khiếu và sự đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc, từ năm 1980 đến nay, ông đã tham gia tích cực vào việc truyền dạy, bảo tồn, thực hành kỹ năng thổi khèn, múa khèn của người Mông và tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Ông có thể thổi và tự sáng tác các bài khèn mới, đồng thời múa thành thạo nhiều động tác trong khi thổi khèn như: Múa xoay chân, nhảy đánh chân tại chỗ, nhảy ngang đạp chân, múa song tấu, múa tập thể…

Ông Mùi chia sẻ: Các động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng, thường mô phỏng những bước nhảy khéo léo trong trò chơi chọi chim hoạ mi hay cú đánh của gà trống, động tác xua đuổi thú dữ, các hành động bảo vệ cộng đồng... Muốn trở thành một người thổi khèn giỏi, người chơi phải rèn luyện thường xuyên để lấy được hơi dài, luyện khí tốt đồng thời có thân hình khỏe khoắn, mềm dẻo.

Còn NNƯT Nguyễn Thị Xuyến ở tổ 5, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) là người có nhiều năm kinh nghiệm trong loại hình nghệ thuật Hát then - Đàn tính của dân tộc Tày. Đến nay, bà đã truyền dạy được cho 60 học trò trên địa bàn tỉnh.

5 năm qua, bà Xuyến đã tham gia bảo tồn, quảng bá nghệ thuật hát Then - Đàn tính tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội). Bà Xuyến cho biết: Từ nhỏ, tôi đã được nghe các điệu hát Then khi theo cha, mẹ đến các lễ hội, hát giao duyên, làm lễ cầu an, cầu phúc, làm giải hạn, làm Pụt. Làn điệu Then đã "ngấm" vào trong tâm hồn tôi.

Hơn 40 năm qua, NNƯT Hoàng Văn Mùi luôn tích cực tham gia truyền dạy, bảo tồn, thực hành Nghệ thuật khèn của người Mông và tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.

Giữ gìn và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống

Đợt này, 4 nghệ nhân khác của Thái Nguyên cũng được phong tặng NNƯT nắm giữ tập quán xã hội và tín ngưỡng. Trong đó, 2 NNƯT: Bàn Văn Thanh, ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ) và Đặng Văn Tâm. ở xóm Đồng Muốn, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), đều đang nắm giữ các nghi lễ theo tập quán của người Dao quần chẹt và một số nghi lễ đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của người Dao gồm: Nghi lễ cấp sắc, nghi lễ Tết nhảy. Để lưu truyền trong cộng đồng, 2 NNƯT còn thường xuyên truyền dạy chữ Nôm Dao, hướng dẫn thực hành các bài bản, động tác, nghi thức, nghi lễ cho các thế hệ trong cộng đồng người Dao.

Trong đó, NNƯT Bàn Văn Thanh đã truyền dạy trực tiếp cho 85 học trò. NNƯT Đặng Văn Tâm truyền dạy được cho 65 học trò. Các học trò của 2 ông đều đã thực hành thành thạo các nghi lễ của người Dao trong cộng đồng; đọc thông viết thạo chữ Nôm Dao và có thể truyền dạy cho người khác.

NNƯT Bàn Văn Thanh cho hay: tôi thường xuyên phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đại Từ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của người Dao.

Với NNƯT Hoàng Văn Hải, ở xóm Bản Chang, xã Nghinh Tường (Võ Nhai), ông được sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời làm nghề thầy Then. Do đó, ông nắm vững và thực hành thành thạo Di sản văn hóa phi vật thể Then của dân tộc Tày, thực hành tốt Phong Slư (thể loại dân ca cổ của người Tày) cũng như các giá trị văn hóa truyền thống tín ngưỡng của người Tày.

Từ năm 1998, ông Hải tham gia thực hành di sản Then rộng rãi trong cộng đồng, thường xuyên truyền dạy chữ Nôm Tày, hướng dẫn thực hành các động tác, nghi thức, nghi lễ và truyền lại cho các thế hệ sau. NNƯT Hoàng Văn Hải nói: Trên cơ sở các giai điệu Phong slư, tôi còn đặt lời mới phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Với các di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Sán Dìu, NNƯT Hoàng Trọng Quý, ở xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), là một trong số ít người am hiểu sâu. Ông hiện nắm giữ một số di sản như: Nghi lễ Cấp sắc, Soọng Cô của người dân tộc Sán Dìu.

Ông Quý bộc bạch: Từ khi còn nhỏ, tôi thường được nghe các bà, các chị hát Soọng Cô. Điệu hát ngọt ngào, vang vọng, ca ngợi về thiên nhiên, công lao cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có hiếu... rất đáng quý, rất đặc biệt. Đối với nghi lễ Cấp sắc là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần, phong tục văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả. Tôi đã dành gần như cả đời để nghiên cứu, thực hành và gắn bó với Soọng Cô cùng những nghi lễ của dân tộc. Còn sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục trao truyền những nét đặc sắc của văn hóa này đến các thế hệ sau.

Nói về đóng góp của những nghệ nhân, ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), khẳng định: Thực tế cho thấy, những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất Thái Nguyên đã và đang được lưu giữ và ngày càng phát huy là nhờ công sức của các thế hệ nghệ nhân. Họ chính là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại với tương lai thông qua bản sắc văn hóa các dân tộc được kế thừa, phát triển. Cùng với đó, họ có vai trò quan trọng trong việc tiếp lửa, truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

Thu Hà

Nguồn: Báo Thái Nguyên - baothainguyen.vn - Đăng ngày 26/11/2022