Nước sông Hương bị nhiễm bẩn

Cập nhật: 18/06/2009
Sông Hương, núi Ngự Bình là một món quà vô giá thứ hai thiên nhiên dành cho Huế bên cạnh quần thể trên 300 di tích, di sản văn hóa thế giới. Sông núi bổ sung cho nhau tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp. Từ lâu, sông Hương và núi Ngự đã được coi là những biểu tượng của Huế, và mọi người cũng thường gọi Huế là “Vùng đất của sông Hương và núi Ngự”.

Du khách đã đến Huế khó có thể bỏ qua chương trình du thuyền trên sông Hương để nhìn ngắm phong cảnh nên thơ và lắng nghe những điệu ca Huế truyền thống trong đêm tĩnh mịch.

Các công trình kiến trúc hai bên bờ sông gồm thành quách, vườn tược, chùa chiền, tháp cổ, đền đài... ánh phản chiếu của chúng trên dòng nước khiến con sông thậm chí còn mang thêm nhiều chất thơ và tính nhạc.

 

Nhưng hiện nay đoạn sông Hương qua thành phố Huế bị ô nhiễm cục bộ, đặc biệt là nhánh sông Đông Ba. Đó là nhận định của Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ Sinh học (Đại học Huế), do PGS – TS Lê Văn Thăng đứng đầu đã tiến hành trắc quan chất lượng môi trường nước sông Hương.

 

Sau 6 năm (2003 - 2008), với chuỗi số liệu thu được từ 72 đợt quan trắc, lấy mẫu trên 9 vị trí thuộc sông Hương và phân tích 14 thông số, nhóm tác giả đã đưa ra bức tranh tổng thể về diễn biến chất lượng môi trường nước sông Hương hiện nằm trong tình trạng nhiễm bẩn nhẹ.

Ngoại trừ giá trị tổng photphat chịu ảnh hưởng của cấu tạo địa chất, các chỉ tiêu đặc trưng cho thành phần dinh dưỡng là amoni (NH4+), nitrat ( NO3-), chất hữu cơ ô xy sinh hóa(BOD5), ô xy hóa học (COD) và vi sinh ( tổng Coliform) trong nước sông Hương cao.

 

Nguyên nhân là do tác động của con người với các loại nước thải sinh hoạt, nước thải đô thị, nước thải từ các hoạt động sản xuất và dịch vụ du lịch. Phạm vi mức độ ô nhiễm đang tăng dần theo thời gian, nhất là vào mùa khô. Nếu không có giải pháp quản lý kịp thời và hiệu quả thì phạm vi ô nhiễm sẽ lan rộng trên toàn bộ dòng sông và mức độ ô nhiễm sẽ gia tăng đáng kể.

 

Nguồn: BT từ TN&MT