Bà Rịa – Vũng Tàu: Ô nhiễm môi trường biển đe dọa ngành du lịch

Cập nhật: 07/07/2009
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có báo cáo UBND tỉnh về thực trạng bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và đề xuất một số biện pháp để bảo đảm chất lượng môi trường cho phát triển du lịch. Báo cáo cho thấy, hoạt động của ngành du lịch trên địa bàn tỉnh đang chịu tác động mạnh bởi các ngành khác.  

Nguy cơ ô nhiễm luôn rình rập

Để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước biển ven bờ phục vụ cho du lịch, từ năm 2007 đến nay, Trung tâm Quan trắc thuộc Sở TN&MT đã tiến hành quan trắc với tần suất 4 lần/năm tại 6 vị trí gồm: Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu (TP.Vũng Tàu); Long Hải (huyện Long Điền); Lộc An (huyện Đất Đỏ) và khu du lịch Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc). Kết quả cho thấy, các thông số quan trắc đều đạt quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, các chỉ tiêu vi sinh, chất rắn lơ lửng đều vượt tiêu chuẩn từ 1 đến 23 lần ở hầu hết các vị trí. Riêng quý I-2009, chất lượng nước biển ven bờ đã được cải thiện tại hầu hết các điểm, trừ khu vực Bãi Sau có chỉ tiêu vi sinh vượt 2,4 lần và Bãi Dâu có chất rắn lơ lửng vượt mức cho phép 2,84 lần.

 

Theo quy định của pháp luật về môi trường thì các dự án đầu tư cơ sở lưu trú và khu du lịch phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt hoặc có bản cam kết bảo vệ môi trường trước khi khởi công. Thế nhưng, trên thực tế chỉ các dự án xây dựng sau khi Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ 1-7-2006) và các khách sạn, khu du lịch do cấp tỉnh quản lý Nhà nước về môi trường (từ 100 phòng trở lên hoặc từ 10ha trở lên) là thực hiện tốt các thủ tục hành chính về môi trường. Phần lớn các dự án do cấp huyện quản lý chưa trình bản cam kết bảo vệ môi trường để được phê duyệt trước khi khởi công. Trong số 9 đơn vị kinh doanh du lịch do cấp tỉnh quản lý (Sở TN&MT) cũng có đến 2 đơn vị chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải là khách sạn Sài Gòn 85 (TP.Vũng Tàu) và Khu Du lịch Long Hải Beach resort (huyện Long Điền). Riêng các cơ sở lưu trú do cấp huyện quản lý hầu hết đều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải mà chủ yếu là xử lý bằng bể tự hoại 3 ngăn trước khi thải ra môi trường hoặc kết nối vào hệ thống thoát nước đô thị. Qua kiểm tra, Sở TN&MT còn phát hiện một số khu du lịch tự xử lý rác thải trong khuôn viên khu du lịch.

 

Ngành du lịch được cho là ngành công nghiệp sạch. Các chất thải phát sinh từ hoạt động du lịch không có tác động lớn đến chất lượng môi trường và có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, môi trường của ngành du lịch tỉnh đang chịu tác động lớn từ các ngành khác nhất là sự cố tràn dầu. Theo quy luật, vào thời gian giao mùa (tháng 3 hàng năm), vùng biển từ mũi Kỳ Vân – Long Hải đến Bãi Sau – Vũng Tàu lại xuất hiện dầu trôi dạt vào bờ dưới dạng đã bị phong hóa, vón cục. Hiện tượng này xảy ra hàng năm đã gây ảnh hưởng đến chất lượng nước biển ven bờ nhưng đến nay Sở TN&MT và các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương vẫn chưa xác định được nguyên nhân của tình trạng này. Mặt khác, các sự cố tràn dầu do va, đâm, chìm tàu với mức độ ngày càng tăng như hiện nay cũng là những nguy cơ lớn tác động đến môi trường nước biển.

 

Một tác nhân gây ô nhiễm nước biển ven bờ khác là hoạt động xả nước thải, rác thải từ sinh hoạt và nước thải từ sản xuất không qua xử lý của cộng đồng dân cư và các nhà máy chế biến hải sản tại các xã ven biển như Phước Hưng, Phước Tỉnh, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền); thị trấn Phước Hải, xã Lộc An (huyện Đất Đỏ); xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Hoạt động xả thải này đang gây tác động lớn đến chất lượng nước ven bờ từ mũi Nghinh Phong (TP.Vũng Tàu) đến xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Ngoài ra, nước biển ở khu vực Bãi Dâu, Bãi Trước (TP.Vũng Tàu) còn chịu tác động từ nước thải của các đô thị, khu công nghiệp ở thượng nguồn chảy qua sông Thị Vải, sông Ngã Bảy rồi đổ ra vịnh Gành Rái.

 

Ông Lê Văn Sâm, Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết: Trên địa bàn huyện có khoảng 40.000 – 45.000 dân sống tập trung dọc 14km bờ biển, hàng ngày xả một lượng lớn nước thải và rác thải ra biển. Trên địa bàn huyện cũng là nơi neo đậu của 1.600 ghe, tàu các loại; là nơi có 71 cơ sở chế biến hải sản, trong đó có 2 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ cho hoạt động khi có đoàn kiểm tra, còn một số cơ sở chỉ có bể lắng lọc qua loa. Đây là những tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng tới hoạt động du lịch. Để bảo vệ môi trường, trước mắt, UBND huyện yêu cầu các doanh nghiệp này phải xây dựng bể lắng, lọc nước thải. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp không tự giác chấp hành thì cũng rất khó kiểm tra, xử lý.

 

Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Để bảo vệ môi trường nước biển ven bờ, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh giao Sở chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy chế bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch trong quý IV-2009 nhằm thay thế quy chế Bảo vệ môi trường du lịch của tỉnh đã ban hành năm 2004 theo Luật Bảo vệ môi trường năm 1993. Trong quý IV, từ cấp tỉnh tới cấp huyện sẽ tổ chức kiểm tra toàn bộ các khách sạn, khu du lịch, cơ sở lưu trú việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để xử lý các cơ sở vi phạm. Sở TN&MT cũng đề xuất một số giải pháp khác như: tăng cường tuyên truyền bảo vệ môi trường du lịch; yêu cầu các cơ sở lưu trú cấp huyện phải hoàn thành bản cam kết bảo vệ môi trường; hạn chế cho phép hoạt động súc rửa tàu thuyền và chuyển tải dầu trên biển…

 

Ông Vương Quang Cần, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết: UBND TP.Vũng Tàu đang chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu chủ các nhà hàng ven biển khu vực Bãi Dâu như Gành Hào, Quán Tre… khắc phục việc xả thải ra biển. Theo đó, các cơ sở này sẽ có một thời gian nhất định để đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Sau thời gian đó, nếu cơ sở nào không đáp ứng yêu cầu sẽ bị tạm đình chỉ kinh doanh. Ngoài ra, các lực lượng chức năng của thành phố cũng vừa phát hiện resort Lan Rừng (Bãi Dứa) xả nước thải ra biển và yêu cầu cơ sở này phải xử lý nước thải đạt chuẩn rồi bơm lên hệ thống nước thải chung của thành phố.

 

Nguồn: TN&MT