Các ưu tiên chiến lược phục hồi du lịch

Cập nhật: 04/01/2023
Tài liệu Xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch Việt Nam (2022-2026) do Liên minh châu Âu tài trợ nghiên cứu, đề ra 11 giải pháp mang tính chiến lược cần ưu tiên để phục hồi thị trường du lịch. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên chiến lược được xác định từ việc đơn giản hóa các quy định về thị thực và bảo đảm thông tin liên lạc hiệu quả trong các tình huống khủng hoảng như đại dịch Covid-19, bảo đảm đủ nguồn vốn cho ngành du lịch, tạo môi trường thuận lợi và toàn diện cho khu vực tư nhân hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển và tập trung vào thị trường.

Cần tập trung đầu tư vào quảng bá và tiếp thị du lịch. Ảnh: Hải Nam

Ưu tiên về vấn đề thị thực

Du khách quốc tế tiềm năng đến Việt Nam đang gặp phải một số rào cản và thách thức bao gồm: Thông tin và hướng dẫn không rõ ràng với các quy định về thị thực và các yêu cầu về y tế; một số trang web cho thông tin không đủ rõ ràng về địa chỉ và thông tin chính thức; các trang web chính thức thiếu thông tin cập nhật; có các lựa chọn thị thực khác nhau; thiếu hỗ trợ cho việc xin thị thực trực tuyến; các quy tắc gia hạn khó khăn; thủ tục rườm rà đối với thị thực dài hạn.

Để xử lý những vướng mắc trên, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp có thể xem xét thực hiện trong ngắn hạn hoặc ngay lập tức, như đơn giản hóa các thủ tục nộp hồ sơ, chuẩn hóa việc gia hạn các loại thị thực, cắt giảm hoặc đơn giản hóa các loại thị thực dành cho du khách và bảo đảm cập nhật thông tin chính thức từ các kênh thông tin của chính phủ. Thực tế, những du khách tiềm năng đến Việt Nam tìm hiểu các quy định và thủ tục thị thực hiện hành đều thấy nhiều trang web chính thức của Chính phủ không được cập nhật cũng như một số trang web tuyên bố cung cấp thông tin chính thức nhưng lại là của đại lý du lịch tư nhân. Chính phủ cần thiết phải chỉ định một cơ quan cấp bộ chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính thức được cập nhật đầy đủ và chính xác. Điều quan trọng không kém là thông tin chính thức cập nhật như vậy phải được phổ biến cho các cơ quan chính phủ khác, các cơ quan đại diện ở nước ngoài và các đơn vị tư nhân.

Bảo đảm đủ ngân sách cho ngành du lịch

Hiện tại, ngân sách nhà nước dành cho tiếp thị và phát triển du lịch theo truyền thống vẫn tương đối thấp nếu xét về quy mô và tầm quan trọng của du lịch Việt Nam và chưa phản ánh được tầm quan trọng của du lịch đối với nền kinh tế. Ngay cả khi du lịch đạt đỉnh vào năm 2019 trước dịch Covid-19, ngân sách tổng thể dành cho tiếp thị và quảng bá Việt Nam là một điểm đến du lịch chỉ là 1-2 triệu USD, chỉ bằng một phần nhỏ (dưới 0,01%) doanh thu ước tính từ du lịch quốc tế và nội địa, ước đạt 32 tỷ USD.

Gần đây, Chính phủ đã phân bổ khoảng 300 tỷ đồng (khoảng 13,5 triệu USD) cho Quỹ Hỗ trợ Phát triển du lịch mới thành lập, chủ yếu được sử dụng cho mục đích tiếp thị và quảng bá trong thời gian hai năm, tương ứng với dưới 7 triệu USD mỗi năm. Mặc dù đây là một mức tăng đáng kể so với ngân sách trước giai đoạn dịch Covid-19, nhưng nó vẫn còn rất hạn chế, chỉ chiếm 0,02% thu nhập ước tính từ du lịch trước dịch Covid-19. Hơn nữa, tại thời điểm viết báo cáo, không có thỏa thuận nào về cách sử dụng và phân bổ nguồn vốn dường như đã được thực hiện giữa các bên liên quan chính. Việc phân bổ ngân sách cũng không thể so sánh với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực. Thí dụ ở Thailand, ngành du lịch nước này đang dành khoảng 30 triệu USD để phục hồi du lịch và tạo ra khoảng 42 tỷ USD.

Vì vậy, rất cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của du lịch và sự cần thiết phải đầu tư vào tiếp thị và phát triển du lịch để bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai. Một lựa chọn khác là cho sự tham gia trực tiếp của khu vực tư nhân vào tiếp thị và phát triển sản phẩm thông qua phương thức đối tác công tư (PPP) như phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (HTPTDL), Hội đồng Tư vấn Du lịch và Tổng cục Du lịch. Một thí dụ tích cực về sự tham gia của khu vực tư nhân trong tiếp thị và quảng bá là việc thành lập Văn phòng Xúc tiến du lịch ở London (Anh) gần đây, được khu vực tư nhân tài trợ hoàn toàn thông qua Hội đồng Tư vấn du lịch. Chính phủ cũng có thể miễn giảm thuế cho khu vực tư nhân khi đầu tư vào tiếp thị và phát triển du lịch.

Nghiên cứu để thực hiện hợp tác công - tư

Hiện tại, cấu trúc du lịch quốc gia và khu vực của Việt Nam do Chính phủ chi phối mà chưa có sự đại diện của khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân chỉ có đại diện trong các ban tư vấn như Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. Ngoài ra, khu vực du lịch tư nhân được tổ chức trong một loạt các hiệp hội du lịch với Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDL) là hiệp hội chính. Thành viên của HHDL hiện bao gồm các hiệp hội tiểu ngành liên quan đến du lịch, các công ty và cá nhân trong lĩnh vực du lịch tư nhân. Tuy nhiên, hầu hết các hiệp hội du lịch khu vực tư nhân vẫn chưa mang tính đại diện đầy đủ và thường không được coi là tổ chức phát ngôn của ngành. Hơn nữa, nhiều hiệp hội được quản lý bởi các cựu công chức khu vực nhà nước, chủ yếu từ Tổng cục Du lịch.

Nên cách rõ ràng và bền vững nhất để bảo đảm sự tham gia trực tiếp của khu vực tư nhân vào việc lập kế hoạch, phát triển và tiếp thị du lịch ở Việt Nam là thông qua việc thành lập một tổ chức du lịch khu vực công-tư với một ban giám đốc có cả hai đại diện khu vực công và tư nhân cũng như một ban thư ký chuyên nghiệp chính thức với trình độ cần thiết. Các tổ chức du lịch hợp tác công - tư như vậy được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tổng cục Du lịch Thailand là một thí dụ, các đại diện của Hội đồng Du lịch Thailand cũng như cá nhân đủ tiêu chuẩn do Bộ trưởng Du lịch và Thể thao bổ nhiệm, đại diện cho khu vực du lịch tư nhân được tham gia thường trực trong Hội đồng quản trị. Hơn nữa, Ban Thường trực của Tổng cục Du lịch Thailand là một thí dụ điển hình về sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ thông qua sự đại diện của cấp Thứ trưởng các bộ Tài chính, Ngoại giao, Nội vụ, Giao thông vận tải, Thương mại...

Tại Việt Nam, bước đầu tiên hướng tới sự tham gia trực tiếp của khu vực tư nhân như vậy có thể đã được thực hiện thông qua việc thành lập Quỹ HTPTDL gần đây theo khuyến nghị đề xuất của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, Quỹ HTPTDL được thành lập như một công ty trách nhiệm hữu hạn thuộc sở hữu nhà nước, chưa có sự tham gia trực tiếp của khu vực tư nhân. Sự cần thiết phải có sự tham gia của khu vực tư nhân cũng được nhấn mạnh trong hai nghiên cứu riêng biệt được thực hiện sau quyết định của Chính phủ thành lập Quỹ HTPTDL và các khuyến nghị được đưa ra để điều chỉnh quyết định mang tính pháp lý, Quyết định 49/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/12/2018.

Mặc dù sự tham gia trực tiếp như vậy của khu vực tư nhân vào cả Quỹ HTPTDL và các tổ chức du lịch liên quan khác vẫn được khuyến khích về lâu dài, nhưng có thể sẽ không thể thực hiện trong ngắn hạn để phục hồi ngay lập tức ngành du lịch của Việt Nam. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị phải xem xét các phương án thay thế, có thể được thực hiện ngay một cách hiệu quả. Một lựa chọn tự nhiên sẽ là sự tham gia trực tiếp của khu vực tư nhân vào phát triển và tiếp thị sản phẩm thông qua việc thành lập các tổ công tác công - tư chuyên trách liên quan các hoạt động cụ thể.

Ngoài ba ưu tiên nêu trên, các chuyên gia nghiên cứu cũng chỉ ra một số vấn đề khác cần ưu tiên thực hiện như đa dạng hóa thị trường, thu hút lại lực lượng lao động du lịch, gia tăng khả năng tiếp cận hàng không và năng lực hàng không, nâng cao sự hiểu biết về cách thức chuyển đổi số... Nhanh chóng thực hiện những điều trên không chỉ giúp du lịch phục hồi mà còn nâng ngành du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới.

Tiệp Nguyễn

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 03/01/2023