Hà Giang: Giá trị cốt lõi để phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 05/01/2023
Ngày 24/11/2021 tại Hội nghị Văn hóa (VH) toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận “VH là bản sắc của dân tộc, VH còn thì dân tộc còn, VH mất thì dân tộc mất. VH rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng, ấy chính là VH. Xây dựng môi trường VH lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi VH, phản VH, bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ. Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao những giá trị VH cùng sức mạnh, tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.

Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village (Quản Bạ) xây dựng theo kiến trúc nhà ở truyền thống dân tộc Mông - Ảnh: Hoàng Tuyến

Thực hiện mục tiêu bảo tồn VH truyền thống gắn với phát triển du lịch (DL) tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án, quyết định về phân cấp quản lý; phát huy giá trị VH; tăng cường quản lý và phát triển giá trị di sản VH; di sản địa chất, các điểm DL; công tác bảo tồn di sản VH; các văn bản chấn chỉnh hoạt động di sản VH… Tại Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đã khẳng định “bảo tồn VH các dân tộc là nhân tố trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế DL; phát triển DL theo hướng bền vững cần tập trung vào DL cộng đồng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc VH dân tộc; bảo tồn, phát huy di sản VH để góp phần phát triển KT - XH bền vững, nhất là phát triển DL, tạo sinh kế cho người dân, giáo dục, kế thừa, gìn giữ truyền thống quý báu về giá trị VH lịch sử cho thế hệ trẻ các dân tộc Hà Giang, đồng thời từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh”.

Đến nay, tỉnh tổ chức kiểm kê, nhận diện được 131 di sản VH vật thể; 446 di sản VH phi vật thể với 27 di sản được ghi danh vào danh mục di sản VH phi vật thể Quốc gia; toàn tỉnh có 61 di tích lịch sử VH và danh lam thắng cảnh được xếp hạng các cấp, trong đó, có 31 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 30 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 31/61 di tích xếp hạng được trùng tu, tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư trên 203 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh có 16 làng VH DL cộng đồng đã và đang được đầu tư theo hướng vừa bảo tồn VH vừa nâng cao chất lượng dịch vụ DL; 81 lễ hội cấp tỉnh; 8 lễ hội cấp khu vực; 15 lễ hội cấp huyện và liên huyện; 58 lễ hội cấp xã… Việc tôn tạo, phục dựng các di sản văn hóa và giữ gìn các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống đã góp phần quan trọng trong quảng bá hình ảnh đất và con người Hà Giang trong sắc màu dân tộc độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, từ đó nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, phát triển KT - XH nơi địa đầu Tổ quốc.

Nghề thêu dệt thổ cẩm của dân tộc Mông trở thành sản phẩm du lịch.

Giám đốc Sở VHTTDL, Nguyễn Hồng Hải, cho biết: Với chủ trương “Lấy VH để phát triển DL, lấy DL để bảo tồn phát triển VH” xem di sản VH là tài nguyên DL có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm DL hấp dẫn, từng bước phát huy giá trị, góp phần tích cực trong việc thu hút du khách DL. Năm 2022, ngay khi Chính phủ cho chủ trương mở cửa DL, Hà Giang tổ chức thành công các giải pháp thích ứng linh hoạt trong hoạt động DL và tổ chức đón trên 2,2 triệu lượt khách, đạt gần 150% kế hoạch; doanh thu DL đạt trên 4.530 tỷ đồng. Để tiếp tục thực hiện việc bảo tồn giá trị VH gắn với phát triển DL, Sở VHTTDL tăng cường tuyên truyền đến các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản VH; chú trọng đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử VH, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt VH, văn nghệ; đưa VH truyền thống vào giảng dạy trong các cấp học để giáo dục thế hệ trẻ hiểu và tôn trọng giá trị di sản VH; thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản VH, xóa bỏ hủ tục, phát triển DL giai đoạn 2021 – 2025.

Bằng những giải pháp cụ thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tin tưởng rằng tỉnh Hà Giang sẽ thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tạo tiền đề phát triển KT - XH nói chung và ngành DL nói riêng.

Bài, ảnh:  Hoàng Tuyến

Nguồn: Báo Hà Giang - baohagiang.vn - Đăng ngày 03/01/2023