Phú Yên: San hô có nguy cơ bị tận diệt

Cập nhật: 15/07/2009
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có nhiều hộ dân ở thôn Lệ Uyên, xã Xuân Phương (huyện Sông Cầu) đổ xô khai thác san hô cảnh. Việc làm sẽ khiến cho hệ sinh thái và môi trường biển ở đây suy giảm nghiêm trọng. San hô có nguy cơ bị tận diệt.

Những ngày này, dọc tuyến quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Phương (huyện Sông Cầu) trở nên nhộn nhịp khác thường. Nguyên nhân là do gần đây, trên đoạn đường này xuất hiện gần chục cơ sở chuyên kinh doanh san hô cảnh.

Tại cơ sở chuyên thu mua san hô cảnh tên Phong, anh Cao Nguyên Hưng, trú ở phường 4 (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đang vừa xem san hô cảnh vừa cho biết: "Nhà mới xây xong hòn non bộ nên tôi muốn tìm vài san hô cảnh về trang trí. Nghe tụi bạn giới thiệu tôi ra đây và thực sự choáng ngợp vì quả thật san hô ở đây đẹp hơn những nơi khác".
Hầu hết san hô cảnh bày bán ở Lệ Uyên, qua đôi tay khéo léo của những người thợ đã trở nên rất bắt mắt với nhiều hình dạng khác nhau. Có loại mang hình ngọn núi, có loại mang hình cả một đại dương thu nhỏ, loại  khác thì nhìn giống hệt như đôi nam nữ đang thủ thỉ tâm tình... San hô ở đây có giá trung bình từ 70 ngàn - 150 ngàn đồng/cây tùy theo hình dạng, kích cỡ.

Cũng từ đây, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tới chở san hô cảnh đi bán ở các điểm kinh doanh mặt hàng này trong và ngoài tỉnh. Lái thương Hồ Văn Nhân, một đầu nậu chuyên thu mua san hô cảnh ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết: "Do địa thế của bờ biển gấp khúc nên san hô cảnh ở Sông Cầu đều ở độ sâu trung bình từ 5 - 10m. Chính vì vậy, chất lượng san hô rất  tốt, không chỉ đa dạng về màu sắc mà còn độc đáo về hình dạng, có thể chế tác theo ý thích của người mua. Hầu hết san hô khai thác ở vùng biển Sông Cầu vẫn đang trong giai đoạn sinh trưởng nên khi nở hết, trông chúng rất đẹp. Vì vậy, những tay chơi hồ cá, hòn non bộ rất chuộng san hô Lệ Uyên. Cứ mỗi tuần 3 lượt, tôi đánh xe vô lấy hàng nhưng vẫn không kịp bán bởi nhu cầu người mua quá cao".       
Giữa trưa tháng 7, trời nắng như thiêu đốt nhưng dọc bờ biển thôn Lệ Uyên vẫn có gần 30 người đội nắng để lội vớt san hô. Khi một cái đầu từ dưới nước ngoi lên thông báo: "Có san hô to, sâu 9m, cần 6 người", ngay lập tức 6 thanh niên lao nhanh xuống nước. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, một người khai thác san hô, cho biết, mỗi ngày người dân trong thôn khai thác cả trăm khối san hô mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách.

Điều quan trọng nhất hiện nay là các rạn san hô bị suy thoái và có nguy cơ biến mất do tốc độ khai thác quá nhanh của người dân. Chưa kể, tình hình khai thác vô tội vạ như hiện nay chắc chắn sẽ kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học cũng như các nguồn lợi hải sản khác do nhiều loài cá không còn nơi để sinh sản. Hậu quả này thể hiện rõ nhất ở sự vắng bóng của nhiều loài hải sản quý hiếm như cá bướm, ốc nón, ốc tù, hải sâm... mà trước đây có rất nhiều ở vùng biển xã Xuân Phương.

Các rạn san hô biến mất cũng đồng nghĩa với việc chức năng chắn sóng tự nhiên của chúng khi có bão hoặc sóng thần không còn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người dân địa phương trong thời gian tới.

 

Nguồn: Theo SGGP