Có thể cho thuê vùng đệm vườn quốc gia làm du lịch sinh thái

Cập nhật: 16/07/2009
Ban quản lý các vườn quốc gia sẽ được trao thêm quyền để có thể tạo thu nhập từ rừng, trong đó có thể cho thuê vùng đệm vườn quốc gia. Đó là một trong những điểm trong chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển rừng đặc dụng đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn hoàn thiện.

Có một nghịch lý đang tồn tại là các địa phương càng có nhiều rừng đặc dụng thì càng nghèo do rừng đặc dụng không đem lại nguồn thu cho ngân sách địa phương, mà lại phải tốn thêm ngân sách cho quản lý bảo vệ rừng.

Thậm chí, có khu bảo tồn thiên nhiên có quyết định quy hoạch từ năm 2003 nhưng đến năm 2008 mới thành lập được ban quản lý rừng đặc dụng. Lý do là địa phương không cân đối được ngân sách đầu tư.

Trong khi đó, do không tách được việc quản lý rừng ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh nên làm suy yếu ban quản lý rừng đặc dụng. Người trực tiếp bảo vệ rừng không được hưởng lợi từ quá trình phát triển ngoài lương.

Nhiều ban quản lý rừng đặc dụng có thu nhập rất cao nhưng lương của cán bộ bảo vệ rừng không tăng. Ví như, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ bàng thu 15 tỷ đồng năm 2008 (gấp ba lần vốn sự nghiệp để bảo vệ rừng), Vườn quốc gia Cúc Phương thu trên hai tỷ đồng năm 2008; Vườn quốc gia Ba Vì thu gần hai tỷ năm 2008.

Thực tế, rất nhiều vườn quốc gia có tiềm năng, nếu xây dựng được cơ chế tốt, hoàn toàn có thể tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.

Theo Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Đỗ Khắc Thành, việc phát huy tiềm năng và lợi thế của rừng đặc dụng (đặc biệt là du lịch sinh thái) hiện chưa tương xứng.

Phát triển du lịch sinh thái, nhằm vừa bảo đảm việc bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, vừa tăng thu nhập cho chính ban quản lý rừng đặc dụng; gắn quyền lợi, thu nhập của người bảo vệ rừng với đầu tư phát triển, thực hiện mục tiêu “Bảo tồn để phát triển - Phát triển để bảo tồn”.

Cục phó Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng cho biết, qua thời gian thí điểm, những diện tích rừng cho các doanh nghiệp thuê để làm du lịch sinh thái đều được bảo vệ tốt.

Diện tích tác động với rừng để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với diện tích cho thuê. Một số diện tích rừng nghèo hoặc đất trống do bị chặt phá trước đây được doanh nghiệp bảo vệ và chăm sóc, nên phục hồi tốt.

Đặc biệt, nhiều người địa phương, nơi có Vườn quốc gia, được tuyển dụng vào làm việc tại các khu du lịch sinh thái. Hoạt động du lịch cũng làm tăng nhu cầu sử dụng nông sản, tiểu thủ công nghiệp của địa phương.  

 

Nguồn: TP