Lào Cai: Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 16/02/2023
Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới” tại các xã có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn; tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.

Thời gian tới, tỉnh Lào Cai phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Trong đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên hỗ trợ xây dựng thí điểm 07 mô hình phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp, phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng của địa phương, đó là: Phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát; Phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Bản Phố 2C, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà; Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; Phát triển dịch vụ trải nghiệm, tham quan tại trại nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà; Phát triển không gian du lịch cộng đồng 4 - thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa; Phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Xa Phó tại thôn Nậm Rịa, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai; Phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn. 

Điểm du lịch cộng đồng Cát Cát ở Sa Pa thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: BND

Phấn đấu có ít nhất 03 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. 

Tĩnh Lào Cai phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang tính đặc trưng của địa phương. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là khu vực tư nhân và sự tham gia tích cực của từ cộng đồng địa phương đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cải tạo cảnh quan, không gian quanh khu vực sản xuất tạo tiền đề cho phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp (Farmstay), du lịch sinh thái kết hợp với văn hoá bản địa. Rà soát, lựa chọn những sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn có đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” phù hợp với “Khung chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để định hướng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP. Định hướng, tư vấn về tên sản phẩm, nhãn hiệu và sản xuất mẫu các sản phẩm đặc trưng để lựa chọn làm sản phẩm cho du lịch ẩm thực, làm quà tặng lưu niệm và quà tặng quảng bá. Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” theo quy định.

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, thời gian tới tỉnh Lào Cai đẩy mạnh hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng, in ấn, phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch nông thôn bằng Tiếng Việt và các ngoại ngữ khác như Anh, Pháp, Trung Quốc. Quảng bá du lịch nông thôn thông qua tổ chức các sự kiện, diễn đàn giới thiệu, chương trình Famtrip đối với các hãng lữ hành và truyền thông. Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các hãng truyền thông, các hãng lữ hành ở trong và ngoài nước hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch với các xã, huyện có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn để giới thiệu các sản phẩm du lịch nông thôn. 

Các lễ hội truyền thống tại các địa phương trên địa bàn tỉnh được quảng bá nhằm thu hút du khách.

Quảng bá du lịch nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang quảng bá thông tin du lịch của tỉnh. Tăng cường quảng bá du lịch nông thôn thường xuyên trên Báo Lào Cai; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; Cổng thông tin du lịch tỉnh Lào Cai (dulichlaocai.vn); Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai (laocaitourism.vn); Trang thông tin du lịch Tây Bắc (dulichtaybac.vn); Trang thông tin du lịch dành cho thị trường nước ngoài (sapa-tourism.com); Fanpage dulichlaocai, Cổng thông tin điện tử của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh (nongthonmoilaocai.vn). Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới trên các mạng xã hội Facebook, Youtube, Twiter, Instagram, Tiktok.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả bộ 3 phần mềm du lịch thông minh “Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Lào Cai”, “Ứng dụng du lịch thông minh trên Smartphone” và “Hệ thống khai báo lưu trú trực tuyến”. Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu số về  du lịch nông nghiệp nông thôn của tỉnh liên kết hoặc tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu số về du lịch nông nghiệp nông thôn của trung ương. Tổ chức tập huấn cho các chủ thể tham gia du lịch nông thôn về chuyển đổi số trong du lịch; hỗ trợ kết nối quảng bá sản phẩm du lịch trên các website nổi tiếng về du lịch.

Lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025; huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng (tài chính, sức lao động…) và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn. 

Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tại khu vực nông thôn phù hợp với định hướng thị trường. Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các điểm đến du lịch nông thôn hiện có, đã được đầu tư, hỗ trợ và dự kiến phát triển những điểm đến du lịch nông thôn mới.

Thu Thủy

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 16/02/2023