Huyện Chợ Mới (Bắc Kạn): Phối hợp bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên

Cập nhật: 23/07/2009
Là địa phương nằm ở vị trí cửa ngõ của tỉnh, có nhiều diện tích rừng giáp ranh với các huyện trong và ngoài tỉnh nên tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản ở Chợ Mới (Bắc Kạn) thời gian qua diễn ra rất phức tạp. Hằng năm, trên địa bàn huyện xảy ra hàng trăm vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép với số lượng lớn.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng huyện Chợ Mới đã phát hiện và xử lý 36 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu trên 70m3 gỗ các loại. Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét mạnh mẽ nhưng các vụ vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, đưa Chợ Mới trở thành một trong những “điểm nóng” của xảy ra tình trạng này.

Trước thực trạng đó, Công an huyện Chợ Mới kết hợp cùng Hạt kiểm lâm huyện đã tiến hành xây dựng Quy chế số 01 – Quy chế phối hợp giữa Công an huyện và lực lượng Kiểm lâm trong công tác phòng ngừa, điều tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, nhằm mục đích bảo vệ diện tích rừng hiện có, tiến đến hạn chế tình trạng vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép đang diễn ra trên địa bàn.
Theo quy chế này, Công an huyện cùng Hạt kiểm lâm huyện sẽ cùng xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác quản lý bảo vệ rừng, động vật hoang dã quý hiếm và bảo tồn thiên nhiên. Công an huyện phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, điều tra và lập hồ sơ vi phạm. Đồng thời, hai lực lượng sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra, trong có sự phối hợp với các lực lượng công an xã, thanh niên, dân phòng của các xã, thị trấn.
 Ông Nguyễn Văn Minh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện cho biết: “Với đặc thù là địa phương có nhiều diện tích rừng giáp ranh nên trên địa bàn huyện thường xuyên xảy ra nhiều vụ vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép. Ở một số khu vực thuộc xã Quảng Chu tiếp giáp với các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ (Thái Nguyên), Yên Cư tiếp giáp với huyện Na Rì được coi là những “điểm nóng” diễn ra hoạt động này. Trước vấn đề đó, ngay từ đầu năm nay, Hạt kiểm lâm huyện kết hợp với Công an huyện đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra và xử lý các vi phạm. Đặc biệt, từ khi xây dựng Quy chế phối hợp giữa hai lực lượng nên công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên hơn, bước đầu đã hạn chế tình trạng vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép”.
Chỉ tính riêng trong khoảng thời gian 1 tháng từ khi Quy chế số 01 đi vào thực hiện (11/6/2009-11/7/2009) Công an huyện phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 10 vụ vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép, tịch thu gần 6m3 gỗ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 20 triệu đồng. Trong đó có 1 vụ ở xã Thanh Mai, còn lại ở các xã: Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư, Quảng Chu. Mới đây, hai lực lượng đã cùng phối hợp tiến hành điều tra, phát hiện vụ “Trưởng thôn chống người thi hành công vụ để tẩu tán gỗ lậu” ở xã Quảng Chu và hiện cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị an và bắt tạm giam 2 đối tượng cầm đầu. Được biết, tại các buổi phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, các buổi sinh hoạt, các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề...hai lực lượng đã kết hợp tổ chức được nhiều đợt tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật quý hiếm, bảo tồn thiên nhiên đến đông đảo cán bộ, nhân dân trong huyện, bước đầu làm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý và bảo vệ rừng.
Từ khi Quy chế số 54 - Quy chế phối hợp giữa Hạt kiểm lâm, Công an huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện về công tác PCCC rừng được ban hành, công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác PCCC rừng đã phát huy hiệu quả, từng bước giảm thiểu số vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện.

Từ thực tế hiệu quả của các Quy chế phối hợp nói chung cho thấy, để bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên thì điều cần thiết là có sự kết hợp của các cấp, ngành cùng vào cuộc mạnh mẽ, đồng thời cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật quý hiếm và bảo tồn thiên nhiên. Có như vậy việc quản lý bảo vệ rừng không chỉ ở riêng Chợ Mới, mà ở tất cả các địa phương khác sẽ đạt hiệu qủa cao.

 

Nguồn: Theo báo Bắc Kạn