Để Phú Quốc còn là Phú Quốc

Cập nhật: 23/07/2009
Chính phủ đã xác định hướng phát triển trong tương lai của Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là một thành phố với hình thức quản lý như một đặc khu kinh tế - hành chính, một hòn đảo trung tâm về du lịch, dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra không ít băn khoăn cho người dân nơi đây, nhất là các nhà quản lý làm sao để bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh phát triển đảo Phú Quốc.

Cần phải giữ lấy rừng

Đảo Phú Quốc có diện tích tự nhiên 56.779ha, trong đó diện tích đất rừng 35.162ha và 99 ngọn núi, đồi. Như vậy khi thành phố Phú Quốc ra đời sẽ có những đặc điểm độc đáo so với các đô thị khác ở Việt Nam, là một thành phố hải đảo nhưng lại có núi với đồi, 62% diện tích rừng che phủ, trong đó phần lớn là rừng tự nhiên. Độ che phủ của rừng là yếu tố quan trọng góp phần duy trì nguồn nước ngầm tầng nông của đảo. Hiện nay, đây là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân Phú Quốc.

Nét đặc thù của Phú Quốc là có một vườn quốc gia đang chứa đựng rất nhiều loại rừng: nguyên sinh, thứ sinh, ngập mặn, rừng tràm… trong đó còn 314ha rừng nguyên sinh ít bị tác động nằm ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Kết cấu tầng tán lá của rừng chưa bị phá vỡ. Cấu trúc rừng với tầng cây vượt tán gồm các loại: dầu song nàng, trâm, kim giao, sến đất… Chính vì thế nhiều nhà khoa học cho rằng, chúng ta chỉ mất vài năm để xây dựng tòa lâu đài, hay biệt thự lớn, nếu đổ vỡ cũng có thể xây dựng lại cái khác, nhưng khu rừng nguyên sinh này là do tạo hóa sinh ra, phải mất hàng trăm năm và nếu mất đi sẽ không bao giờ phục hồi lại được.

Theo điều tra mới nhất, vườn quốc gia Phú Quốc còn có 54 loài thực vật đặc hữu, trong đó có 12 loại mang tên địa danh Phú Quốc. Các loài thực vật này phân bố trên các tiểu khu rừng của vườn quốc gia, có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học. Đó là chưa kể hàng trăm loại động hoang dã, với hơn 40 loại có tên trong Sách đỏ đang sinh sống trong khu vườn quốc gia này cần phải được giữ lấy. 

Giữ bằng cách nào?

Hơn 56 nghìn héc-ta đất tự nhiên ở Phú Quốc thì có đến hơn 29 nghìn héc-ta là vườn quốc gia. Điều đó đặt ra cho việc quy hoạch, phát triển xây dựng Phú Quốc làm sao để bảo tồn được vườn quốc gia, không vi phạm Luật Bảo vệ phát triển rừng và Luật Đa dạng sinh học. Theo tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - nguyên Phân Viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ,  trước mắt Chính phủ có thể cho phép thực hiện thí điểm xây dựng quy hoạch bảo tồn và sử dụng hợp lý vườn quốc gia Phú Quốc như một mô hình mẫu về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên trong một đô thị hiện đại, nhằm mục tiêu hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế. Kết quả thí điểm nếu thành công sẽ góp phần điều chỉnh luật pháp và chính sách của nhà nước về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên trong đô thị. Tiến sĩ Thành cũng kiến nghị, cho thí điểm chuyển đổi vườn quốc gia Phú Quốc thành một loại hình mới, có thể đặt tên “công viên rừng trong đô thị”.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra lúc này là ai sẽ quản lý vườn quốc gia hay “công viên rừng” Phú Quốc, nguồn kinh phí đầu tư, khai thác, sử dụng các giá trị của hệ sinh thái lấy từ đâu. Điều này theo tiến sĩ Thành, để bảo tồn và sử dụng một đối tượng như vườn quốc gia Phú Quốc cần có đồng thời 2 nhà quản lý, đó là nhà khoa học bảo tồn và nhà đầu tư, hai chủ thể này sẽ làm việc với nhau theo phương thức “đồng quản lý”. Một bên là đại diện cho nhà quản lý về tài nguyên rừng, một bên là nhà đầu tư có vốn để khai thác, sử dụng tài nguyên rừng, tổ chức không gian trên đất rừng. Mối quan hệ này phải được pháp luật công nhận, bảo hộ và được Nhà nước hỗ trợ về chính sách đầu tư và chính sách đất đai. Đây cũng được coi là một nội dung thí điểm, vì nếu không có cơ chế quản lý thích hợp mọi hình thái tổ chức sẽ không có hiệu quả. Cả 2 nhà quản lý này sẽ tham gia vào quá trình quy hoạch không gian bảo tồn và xây dựng vườn quốc gia Phú Quốc.

 

Nguồn: HNM