Chính sách ưu đãi trong lĩnh vực môi trường: Khó đến tay doanh nghiệp

Cập nhật: 24/07/2009
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiến hành xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Các doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải, tư vấn, thi công công trình môi trường là một trong những đối tượng chính được hưởng chính sách ưu đãi này. Thế nhưng trong thực tế, thời gian qua bản thân họ lại gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận với các chính sách ưu đãi.

 Thời gian qua, UBND tỉnh đã khuyến khích các nhà khoa học và nhà đầu tư ứng dụng công nghệ xử lý chất thải hiệu quả và phù hợp với đặc thù riêng của tỉnh, đồng thời áp dụng chính sách ưu đãi về đất, thuế, công trình hạ tầng kỹ thuật và giải quyết thủ tục hành chính thuận lợi cho nhà đầu tư.
 Cụ thể hóa chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư vào lĩnh vực môi trường, từ đầu năm 2009, UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường khởi công hạ tầng dự án Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (huyện Tân Thành) với diện tích 100ha. Khu xử lý chất thải tập trung này được quy hoạch và phân theo các khu vực chức năng: Khu chôn lấp chất thải đô thị và xử lý nước thải, khu chôn lấp rác thải công nghiệp không độc hại, khu chế biến phân vi sinh, khu xử lý chất thải công nghiệp độc hại. Khu xử lý chất thải tập trung này nhanh chóng được lấp đầy bởi các nhà đầu tư về lĩnh vực xử lý nước thải trong và ngoài nước như Công ty KBEC (Hàn Quốc), Sao Việt, Đại Nam….
 Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn – thiết kế thi công công trình xử lý chất thải ra đời như Nam Việt, Thành Phố Xanh, Biển Xanh…. Những công ty này đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất để thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đúng quy định...
 Thế nhưng, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, chính sách khuyến khích đã được UBND tỉnh ban hành, nhưng hiện nay doanh nghiệp vẫn khó được hưởng những ưu đãi này. “Là doanh nghiệp tư vấn môi trường, chúng tôi rất khó khăn trong việc tiếp cận chính sách, chủ trương của tỉnh. Trong các đợt tập huấn, phổ biến chính sách… những doanh nghiệp tư vấn bị bỏ “quên”, nên không nằm trong đối tượng được tham gia mặc dù những thông tin này cần được phổ biến rộng rãi” - Giám đốc một doanh nghiệp tư vấn môi trường (đề nghị giấu tên) bức xúc nói. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp tư vấn-thiết kế, thi công công trình môi trường hoạt động cầm chừng và phát triển tự phát.
 Các doanh nghiệp này cũng đang gặp không ích khó khăn khi làm các thủ tục với cơ quan chức năng. Nhiều doanh nghiệp sau khi có hợp đồng xây dựng công trình xử lý chất thải phải chờ đợi các thủ tục kiểm tra, nghiệm thu của cơ quan chức năng bảo vệ môi trường dẫn đến tiến độ thi công và thanh toán cho đơn vị tư vấn xây dựng chậm. Trường hợp của Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất tôn Tân Phước Khanh và Công ty TNHH Thịnh An ở huyện Tân Thành là một minh chứng. Hai công ty này đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải nhưng chờ hàng tháng trời mới được cơ quan chức năng nghiệm thu. Hậu quả là không chỉ chủ đầu tư bị thiệt hại và mất uy tín, phía doanh nghiệp thi công cũng bị “chôn” vốn.
 Không riêng gì các doanh nghiệp tư vấn, các nhà đầu tư dự án xử lý chất thải cũng đang gặp khó từ cơ quan bảo vệ môi trường. “Được sự ủng hộ của cơ quan chức năng với nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nên chúng tôi đã chọn Bà Rịa-Vũng Tàu để đầu tư. Dự án của chúng tôi đầy đủ cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học thế nhưng phải chờ gần 6 tháng mới xong thủ tục giao đất”- đại diện của Công ty cổ phần tái chế xỉ thải công nghiệp Đại Thành có tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho biết.
 Để chính sách ưu đãi đến được với doanh nghiệp, việc thực thi chính sách cần được triển khai rốt ráo và bảo đảm sự minh bạch, nếu không sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư.

 

Nguồn: Báo BR-VT