Tiếng khóc của một hạt thông giữa rừng Đà Lạt - Lâm Đồng

Cập nhật: 28/02/2023
Tôi là một hạt thông bé nhỏ giữa rừng thông Đà Lạt! Ba mẹ lo không biết tôi có được lớn lên để đung đưa với gió, vi vu với mây trời hay bị giết hại khi còn non nớt. Còn tôi lại tiếc và lo cho con cháu của loài người, khi Đà Lạt không còn là Đà Lạt nữa.

Nếu nằm lại trên đất một khoảng thời gian đủ lâu, hạt thông nhỏ tôi đây sẽ nảy mầm và góp phần trở thành linh hồn phố núi, được reo vui cùng nắng gió cao nguyên. Nhưng sự sống của tôi và đồng loại hiện tại rất mong manh…

Ai mang thông về với đại ngàn, gió núi?

Chẳng một ai biết cả. Tổ tiên chúng tôi cũng chẳng ai biết Đà Lạt đã thành xứ sở của họ nhà thông từ khi nào, chẳng biết ai đã kỳ công mang đến cho nơi đây những cánh rừng bạt ngàn thông. Chúng tôi gắn bó với người Đà Lạt bao đời nay, thấp thoáng trước hiên nhà, hay sừng sững nơi những ngọn đồi xa.

Họ thông ba lá chúng tôi trở thành biểu tượng của tỉnh Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng. Chúng tôi đã được trồng thành rừng thuần loài ở các huyện Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Đơn Dương và TP Đà Lạt…

Thông Đà Lạt của ngày xưa gắn với nhiều địa danh.

Ngoài những cái tên như “thành phố ngàn hoa”, “thành phố sương mù” thì Đà Lạt còn được biết đến là “thành phố của những rừng thông”. Theo lịch sử, gia phả của tổ tiên chúng tôi, Đà Lạt những năm cuối thập niên 1980 trở về trước là “đại bản doanh” của thông. Trong sương mù và hơi lạnh, chúng tôi từ những mầm cây bé nhỏ xinh xinh đã dần trưởng thành nhờ sự tưới tắm của mưa, của mặt trời, đứng thẳng tắp và uy nghiêm như những vệ sĩ của riêng mảnh đất này.

Trên những con đường dẫn về thành phố, quanh những nếp nhà, đâu đâu cũng có dáng hình của thông. Chúng tôi vô tư phát triển trên đồi Cù nằm ngay trước cổng trường Đại học Đà Lạt. Suốt chiều dài từ dốc Prenne dưới chân núi, chúng tôi mọc san sát chạy dài chừng 30 cây số lên tới đỉnh cao nhất của thành phố.

Không chỉ hiện diện giữa đất trời, họ nhà thông còn có mặt trong cuộc sống thường nhật của người Đà Lạt. Gỗ của chúng tôi được dùng làm nhà, chế tác đồ gia dụng, làm nhiên liệu, chế tạo nhựa thơm… Với người Đà Lạt, mỗi gốc thông già là cả thời thơ ấu nhiều màu sắc bên bạn bè, người thân, là đại diện của những tháng ngày vô ưu, là ký ức về những yêu thương chớm nở đầu đời, những cái nắm tay khe khẽ hay nụ hôn e dè trao vội.

Thông là loài cây biết ca hát. Với chiều cao trung bình 30 mét, đường kính thân có thể tới gần một mét, chúng tôi luôn vươn cao, căng mình đón ánh mặt trời. Mỗi khi có cơn gió tràn qua, vòm lá trên cao lại tấu lên bản giao hưởng thầm thì, mênh mang, dìu dặt.

Cứ thế, chúng tôi đi vào thơ, vào nhạc như một điều đương nhiên: “Đà Lạt lắm thông già phải không em? …Ta vẫn nghe Đà Lạt yên vui lắm, đó quê hương của nàng thơ”, “Cơn gió về lang thang cho ngàn thông reo”, “Hàng thông rung rinh lá, hồ nghiêng soi trăng sáng, một nửa vầng trăng cuối trời dịu êm”; “Thành phố nào vừa đi đã mỏi/ Đường quanh co quyện gốc thông già”…

Là linh hồn của Đà Lạt, chúng tôi giúp điều hòa khí hậu, tạo nét riêng bất biến mỗi khi nhắc đến thành phố thơ mộng này. Cách biệt chỉ một con đèo Bảo Lộc mà cái nóng ngột ngạt, thiêu đốt ngay lập tức nhường chỗ cho bầu trời hiu hiu nắng nhẹ, khí lạnh se se khiến người lâng lâng, nhẹ nhõm.

Đà Lạt thời ông bà tôi lạnh quanh năm suốt tháng lạnh, nhất là buổi tối khi sương mù buông phủ. Cái lạnh tràn về khiến con người muốn gần nhau, thấy cần thiết phải có nhau hơn. Vạn vật khắp xứ đều như thầm thì “hãy yêu nhau đi”, nên Đà Lạt thành xứ sở của yêu đương và sự thăng hoa cảm xúc.

Những cặp đôi đang hẹn hò, những đôi vợ chồng mới cưới đến Đà Lạt để ươm mật yêu đương. Những đôi dần đánh mất cảm xúc với nhau vì guồng quay cuộc sống cũng tìm tới để làm ấm lại. Người tơi tả với những vết thương sâu cũng về với phố núi, rừng thông để được chốn bình an này chữa lành.

Khóc phận thông tàn

Rừng thông đã góp phần “định danh” Đà Lạt, làm nên thương hiệu cho xứ sở nên thơ này. Đà Lạt sẽ thế nào nếu một ngày thông thưa thớt? Nhiều người nói, Đà Lạt sẽ chẳng còn là Đà Lạt nữa nếu mất đi những gốc thông đã bạc màu theo năm tháng.

Nhưng…

Hãy tới Đà Lạt ngay lúc này, khi nắng tháng 2 chói chang trên từng góc phố, để thấy xứ sở mù sương khi vắng dần những rừng thông đã trở nên hoàn toàn khác.

Cuối cùng thì “thành phố dấu mình trong sương” cũng không tránh khỏi sự xoay vần của thị trường, họ thông ba lá chúng tôi trở thành miếng mồi mà lâm tặc không ngừng nhắm đến, hoặc bị thay thế bởi vườn, rẫy, công trình xây dựng, nhà ở. Bao nhiêu bác thông già gục ngã vì không thắng nổi thời gian và lòng tham con người.

Thông phải nhường chỗ, nhường ngôi cho những lợi ích hôm nay của con người.

Khu Núi Voi xưa thông và cây rừng rậm rạp, nay gần như đã trọc rồi. Dọc hai bên quốc lộ 20 xưa kia rừng thông ngút ngàn, giờ đây trơ ra núi trọc màu đỏ. Khi tuyến cáp treo đồi Robin đi vào hồ Tuyền Lâm mới hoàn thành, khách ngồi trên cabine có cảm giác như bay trên những ngọn thông. Chỉ một năm sau, dưới đường cáp treo này chỉ thấy lô nhô nhà cửa, thông bị chặt ngổn ngang, đến nay thì đã thành xóm làng, nương rẫy, nông trại…

Chỗ từng là các mảng rừng thông trên đường Bùi Thị Xuân giờ đây là biệt thự, khách sạn. Cánh rừng ở đường Bà Triệu được thay thế bằng khu nhà liên kế với 47 căn. Ở những rừng thông xa trung tâm thành phố cũng bắt đầu xuất hiện các căn nhà tạm, nhà cấp 4 và cả biệt thự. Phường 8 mất cả ngàn ha thông, thay thế bằng nương rẫy. Rồi hơn 2.000 ha nhà kính trắng xóa được dựng lên…chỗ định cư của họ nhà thông eo hẹp dần.

Ngoài việc chặt phá, thông Đà Lạt còn bị đục thân để khai thác nhựa. Để có 1kg  dầu, một cây thông phải chết.

Loài thông chúng tôi còn bị giết bởi những độc chiêu như khoan gốc và đổ thuốc trừ cỏ, khiến chúng tôi chết đứng.

Cách đây gần 2 năm, ngay sát tỉnh lộ 725 đoạn qua đèo Tà Nung, hàng trăm hàng nghìn anh em tuổi đời hàng chục năm của tôi đã bị khoan lỗ, đổ hóa chất độc làm lá héo úa, nhựa trắng – máu của nhà thông liên tục chảy…

Thông bị ám sát, thông bị thảm sát.

Các chuyên gia sau khi trầy trật đọc bao nhiêu tài liệu trong và ngoài nước vẫn chưa tìm ra nghiên cứu nào có cách giải độc thuốc trừ cỏ để cứu những rừng thông ba lá bị bức hại. Cuối cùng, các cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng thử một cách: Mở rộng chỗ từng bị khoan lỗ để đổ hóa chất, phá lớp nhựa cây đã bịt kín vết thương này, 3 lần bơm đầy nhớt vào lỗ khoan để rửa trôi nhằm giảm chất độc, rồi mới dùng nhớt quét lại để bảo vệ cây, tránh bị kẻ xấu tiếp tục đổ hóa chất vào các vết cắt.

Thật may là sau 5 lần liên tiếp thực hiện quy trình này (mỗi lần cách nhau 2 ngày), một số anh chị tôi đáp ứng tốt phác đồ điều trị, đang dần hồi phục.

Nhưng may mắn đó chỉ đến với những trường hợp được phát hiện kịp thời. Những kẻ giết thông thường dùng khoan không tiếng ồn, tạo một lỗ rất nhỏ ở gốc cây để bơm thuốc diệt cỏ. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì những cây thông bất hạnh đã ngấm thuốc vài tháng, không cứu được nữa.

Những đại tang liên tiếp xảy ra với họ nhà thông, mất mát luôn chực chờ khiến ông bà, bố mẹ và lớp thông trẻ chúng tôi sống trong phấp phỏng. Nhiều du khách đến Đà Lạt gần đây ngơ ngác thốt lên: “Ủa, sao bảo ở đây nhiều thông lắm mà chỉ thấy lác đác vài cây vậy?”. Vâng, Đà Lạt bây giờ tìm khách sạn, nhà hàng, khu du lịch thì dễ, chứ tìm thông giữa nội đô có mà đỏ con mắt!.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK từng bộc lộ nỗi đau đớn, xót xa vì sự biến mất của rừng thông Đà Lạt bằng cuộc triển lãm mang tên “Ứa” vào năm 2011, ghi lại 72 khoảnh khắc “ứa máu” của rừng ngo (thông). Với tác giả, chất hổ phách của cây thông chảy ra như là sự ứa máu, ứa hạt ngọc, ứa giọt lệ, ứa sức sống và cả ứa gan ruột… ). “Cây ngo là một phần lớn của thiên nhiên Đà Lạt; chặt ngo là hủy hoại thiên nhiên và văn hóa Đà Lạt”, ông nói.

Quả thật, mất đi rừng thông, những biệt thự cổ kính từng núp dưới những tán xanh  mơ màng ấy cũng không còn vẻ duyên dáng thơ mộng cũ. Những con đường quanh co khúc khuỷu ở Đà Lạt cũng mất đi hồn vía khi không còn những hàng thông trầm mặc trong cái tĩnh lặng của sớm mai, tạo nên nét hoang sơ của núi rừng.

Và cả trời đất cũng thay đổi.

Một Đà Lạt không còn lạnh

Đầu tháng 5/2013, trận mưa đá kèm lốc xoáy cho thấy sự bất ổn thực sự của khí hậu Đà Lạt. Đá rơi trắng trời, xé toạc màng nylon ở các khu nhà kính. Đá bị cuốn trôi làm nghẽn cả ống thoát nước mưa. Nhiều người sống trên 50 năm tại phố núi cho biết họ đã gặp mưa đá nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến trận mưa đá khủng khiếp như vậy; mưa từ chiều hôm trước mà đến sáng hôm sau đá vẫn chưa tan hết. Đợt mưa đá này gây thiệt hại gần 6 tỷ đồng.

Đà Lạt ngày nay hầu như không còn lạnh nữa, nền nhiệt đã tăng khoảng 2 độ C trong vòng 2 thập kỷ qua. Sự chênh lệch giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất những năm trước đây là 8-10 độ C, nay tăng lên 12-15 độ C.  Du khách đến Đà Lạt nay chỉ mặc áo thun, khoác thêm vest mỏng; vì chỉ đi bộ một vòng quanh khu chợ Hòa Bình lúc 7-8h cũng đổ mồ hôi.

Chỉ người sinh sống lâu năm ở Đà Lạt vẫn còn mặc áo lạnh như một thói quen. Người Đà Lạt ngày nay bịt khẩu trang ra đường vì bụi chứ không phải vì lạnh như trước.

Nhiều người Đà Lạt giật mình khi nhận ra một thay đổi lớn. Trước đây người xứ lạnh này hiếm khi gọi thức uống có đá, nay thì việc cho đá vào đồ uống nằm trong quy trình bình thường. Đà Lạt vốn là thành phố không máy lạnh, nhưng nay thì quạt, máy điều hòa nhiệt độ là mặt hàng bán chạy và được trang bị nhan nhản trong các nhà hàng, khách sạn, tư gia…

Đà Lạt sáng sớm không còn mù sương. Vẻ mờ ảo của thành phố lúc ban mai dường như biến mất khi màn sương sớm đã rút lên những ngọn đồi cao chứ không còn sà xuống mặt hồ thơ mộng. Du khách muốn tận hưởng sương mù phải di chuyển đến những đỉnh núi, rừng thông ở ngoại ô.

Để cứu họ nhà thông chúng tôi, cứu linh hồn của Đà Lạt, vài năm trở lại đây, chính quyền tỉnh và thành phố đã ban hành nhiều quyết định, quy chế bảo vệ rừng cảnh quan và đem những mầm xanh mới nhú như tôi trồng thay thế ở những nơi thế hệ thông trước bị chặt hạ. Cá nhân hay tổ chức nào chặt hạ một cây thông thì phải trồng lại 5 cây từ 1 tuổi rưỡi trở lên (1 ở vị trí cây vừa bị chặt hạ, 4 cây trồng nơi khác). Nếu không trồng họ phải đóng 750.000 đồng (đơn giá 1 cây thông là 150.000 đồng) vào quỹ cây xanh để trồng thông.

Thế nhưng, thực tế là người ta thà đóng 750.000 đồng vào quỹ cây xanh mỗi khi giết hại nhà thông chúng tôi chứ ít ai chịu trồng mới. Họ đã cất công triệt hạ tức là chấp nhận đóng phạt. Họ e ngại khi chúng tôi trưởng thành sẽ chiếm nhiều diện tích, sợ khi chúng tôi ngã đổ sẽ gây hậu quả.

Vẫn biết rằng, mọi thứ luôn thay đổi và cần thay đổi; và chúng tôi cũng tự hào nếu sự hy sinh của mình góp phần làm cho Đà Lạt đẹp hơn. Nhưng sự thay đổi của Đà Lạt hiện nay khi thưa vắng họ nhà thông lại là sự đánh mất chính mình. Tôi vô cùng sợ hãi sẽ đến một ngày, thành phố ngàn thông sẽ trở nên giống như bất cứ thành phố nào khác, giàu có, hiện đại, nhưng lớp trẻ Đà Lạt lớn lên nghe “Cơn gió về lang thang cho ngàn thông reo” sẽ dửng dưng vì quá xa lạ, bởi thông và sương mù đã là quá khứ một đi không trở về.

PV

Nguồn: Báo điện tử VTC News - vtc.vn - Đăng ngày 27/02/2023