Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm: Phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 28/07/2009
 Cù Lao Chàm được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, ngoài lợi thế về “thương hiệu”, về cơ chế bảo vệ, đầu tư phát triển cũng là lúc ngành du lịch địa phương đứng trước những “áp lực” bởi du lịch là con đường tất yếu để đưa Cù Lao Chàm trở thành một quần đảo phát triển. Làm sao phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được những giá trị của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là câu hỏi đã được đặt ra.
 

Xóa “tự phát”

Theo ông Trần Văn Nhân, Phó Phòng Thương mại - Du lịch TP. Hội An, lâu nay du lịch ở Cù Lao Chàm tuy có phát triển nhưng vẫn chưa bài bản và hầu hết các dịch vụ du lịch đều được tổ chức một cách tự phát. Dễ thấy nhất là các tour, tuyến của các đơn kinh doanh du lịch địa phương vẫn rất riêng lẻ, không có sự kết nối theo qui hoạch. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, công tác tổ chức, qui hoạch để phát triển du lịch lâu nay vẫn chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Kiểu du lịch homestay tuy đã được thực hiện ở hòn đảo này nhưng rất sơ sài, chưa để lại nhiều ấn tượng cho du khách.

Tiềm năng du lịch của quần đảo Cù Lao Chàm tuy đã được khẳng định, nhưng gần đây ngành du lịch địa phương mới xây dựng đề án phát triển. Theo đó, sẽ gom những dịch vụ du lịch tự phát của người dân vào những khu qui hoạch riêng. Cụ thể, tại khu vực cảng cá thôn Bãi Làng, đã bước đầu xây dựng, bố trí những mặt bằng dành làm khu bán hàng lưu niệm, hải sản khô và sẽ xây dựng những ki-ốt có mái che, tổ chức trồng cây xanh phù hợp với cảnh quan chung của đảo. Bãi Ông là nơi tập trung của những ki-ốt phục vụ ăn uống giải khát, cho thuê áo phao, tổ chức những sự kiện du lịch, thể thao bãi biển. Những ki-ốt nói trên sẽ được ưu đãi về thuế trong vài năm đầu.

Chính quyền địa phương còn xây dựng đội ngũ là những đoàn viên thanh niên chuyên tổ chức các hoạt động như đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ, tổ chức các hoạt động thể thao trên biển một cách chuyên nghiệp. Đội ngũ dịch vụ vận chuyển bằng đường bộ và đường biển cũng đã được chuẩn bị. Cùng lúc, địa phương sẽ xây dựng một văn phòng giới thiệu về du lịch và những “đặc sản” của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Đặc biệt, để tổ chức các hoạt động này, TP. Hội An đã xây dựng đưa vào hoạt động  Ban Quản lý du lịch Cù Lao Chàm mà Phó ban là một cán bộ địa phương. Theo lời ông Nhân, tất cả các hoạt động này sẽ được tổ chức bài bản và kèm theo cái tên “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” nên dễ thực hiện và tạo được ấn tượng.

Phát triển du lịch theo hướng nào?

Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã đặt ra cho ngành du lịch địa phương những thách thức mới. Theo ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, danh hiệu này đã mở tầm ảnh hưởng của Cù Lao Chàm rộng ra thế giới và cũng chính vì thế trách nhiệm của địa phương càng nặng nề. Nhất là việc bảo tồn phát huy những giá trị của một Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trong khi đó, khát khao của Cù Lao Chàm sẽ là vùng biển đảo phát triển, nhất là việc phát triển kinh tế du lịch.

Phát triển du lịch Cù Lao Chàm theo hướng nào? Theo lời ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, vài năm trở lại đây bằng chính nỗ lực của địa phương và các tổ chức xã hội, đã cho những kết quả khả quan trong việc “bảo vệ” Cù Lao Chàm. Cụ thể, công tác bảo vệ môi trường đã được triển khai bằng nhiều hoạt động có hiệu quả. Cù Lao Chàm đã cơ bản giải quyết được chuyện rác thải. Rồi nguồn tài nguyên yến sào cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Cùng lúc đó, người dân đã có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản. Tình trạng khai thác san hô bừa bãi không còn. Ngư trường đánh bắt hải sản của người dân đã được định vị. Rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Nước sạch căn bản đã được giải quyết. Khó khăn lớn nhất hiện nay của đảo là chưa có mạng điện lưới quốc gia. Đây là điều kiện rất quan trọng để tính đến phương hướng chiến lược cho sự phát triển của Cù Lao Chàm.

Khi đã căn bản giải quyết hết những khó khăn trước mắt, Cù Lao Chàm sẽ chọn một hướng đi thích hợp cho việc phát triển du lịch. Cũng theo lời ông Nguyễn Sự, hướng du lịch sinh thái cao cấp sẽ được ưu tiên lựa chọn. Phải qui hoạch tổng thể Cù Lao Chàm và kêu gọi đầu tư theo hướng “chậm nhưng chắc” với một cơ chế đầu tư mang tầm quốc gia. Phải làm nhiều việc để du khách nhận thấy nét nổi bật của một Khu dự trữ sinh quyển thế giới và luôn tôn trọng những giá trị đó. Bởi thực tế, cách làm du lịch của những Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nhiều nơi không những bảo về được nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn nâng cao giá trị của tài nguyên. Và vì thế, Cù Lao Chăm sẽ nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các tổ chức trên thế giới trong việc xây dựng một chiến lược phát triển hợp lý cho Cù Lao Chàm, đặc biệt là chiến lược phát triển du lịch một cách bền vững.

 

Nguồn: Báo QN