Hành lang đa dạng sinh học giúp kết nối sinh cảnh, tăng khả năng ứng phó biến đổi khí hậu

Cập nhật: 01/03/2023
Đến hết năm 2021, Việt Nam có trên 180 khu bảo tồn thiên nhiên (trên đất liền là vùng biển) với tổng diện tích khoảng trên 2.641.521 ha (diện tích khu bảo tồn trên đất liền chiếm trên 93%) với 34 vườn quốc gia; 60 khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên; 22 khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh; 65 khu bảo vệ cảnh quan. Trong đó, diện tích khu bảo tồn trên đất liền chiếm trên 93%.

Trong các vùng sinh thái, vùng Đông Bắc có số lượng khu bảo tồn nhiều nhất (46 khu), sau đó là vùng Bắc Trung Bộ (33 khu), vùng Đông Nam Bộ có số lượng khu bảo tồn ít nhất (10 khu). Về diện tích, vùng Bắc Trung Bộ có diện tích khu bảo tồn lớn nhất (670.919,24 ha), tiếp sau là vùng Tây Nguyên (484.183,70 ha). Vùng Đồng bằng Sông Hồng có diện tích khu bảo tồn thấp nhất (134.273,34 ha).

Vùng Đông Bắc và Tây Nguyên có nhiều Vườn Quốc gia nhất (6 Vườn Quốc gia). Tổng diện tích Vườn Quốc gia ở Tây Nguyên là lớn nhất: 361.525,00 ha, tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ (319.252,70 ha). Vùng Đông Bắc có số lượng khu dữ trữ thiên nhiên nhiều nhất (14 khu), trong khi vùng Bắc Trung Bộ chỉ có 12 khu nhưng tổng diện tích các khu dữ trữ thiên nhiên lại lớn nhất: 301.792,93 ha. Vùng Đông Bắc có 06 khu bảo tồn loài - sinh cảnh với diện tích lớn nhất: 44.531,60 ha. Vùng Đông Bắc có số lượng khu bảo vệ cảnh quan nhiều nhất (20 khu), trong khi vùng Nam Trung Bộ chỉ có 10 khu nhưng tổng diện tích các khu bảo vệ cảnh quan lại lớn nhất: 38.624,14 ha.

Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP HCM)

Trong Dự thảo Báo cáo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiến hành quy hoạch 258 khu bảo tồn, 100 cơ sở bảo tồn, 8 hành lang đa dạng sinh học, 32 khu vực đa dạng sinh học cao, 28 cảnh quan sinh thái quan trọng, 40 vùng đất ngập nước quan trọng. Dự thảo Báo cáo Quy hoạch sẽ tập trung vào các giải pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; cơ chế, chính sách; khoa học và công nghệ; tài chính, đầu tư; đào tạo, tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Dự thảo Báo cáo Quy hoạch được xây dựng với quan điểm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chú trọng duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái nhằm giảm tối đa mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ phát triển bền vững. Dự thảo cũng tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; phát huy tối đa tính kế thừa các thành quả và duy trì tính ổn định của các hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hiện có; áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái trong xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; huy động mọi nguồn lực của cộng đồng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan.

Dự thảo Báo cáo đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt tương đương 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia; duy trì và phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; tổng số cơ sở bảo tồn đạt 61 cơ sở với các loại hình: vườn thực vật, vườn cây thuốc, vườn động vật, trung tâm cứu hộ động vật, ngân hàng gen. Củng cố và phát triển hệ thống hành lang đa dạng sinh học nhằm kết nối các sinh cảnh và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái và loài sinh vật; tổng số hành lang đa dạng sinh học đạt 12 hành lang; thành lập mới hệ thống các khu vực đa dạng sinh học cao, hệ thống các khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng tại các vùng sinh thái trên phạm vi toàn quốc.

Đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, quy hoạch sẽ bố trí định hướng không gian cho bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp định hướng sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2021/QH15; bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng tự nhiên với diện tích gần 9 triệu ha; phục hồi, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên không thuộc hệ sinh thái rừng với diện tích hơn 3,3 triệu ha, bao gồm hệ sinh thái thủy vực (diện tích 1.230.830 ha) và hệ sinh thái trảng cỏ - cây bụi (diện tích 2.126.075 ha).

Phạm Yến

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 28/02/2023