Du lịch Quảng Ngãi: Bàn giải pháp phát huy tiềm năng

Cập nhật: 03/03/2023
Tại buổi làm việc mới đây với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, Quảng Ngãi sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng đến nay việc khai thác thế mạnh này vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa bắt kịp sự phát triển của nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung.

Còn nhiều hạn chế 

Sau đại dịch Covid-19, các ngành kinh tế, trong đó có du lịch bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên về tổng thể, so với các tỉnh trong khu vực, sự phục hồi của ngành du lịch Quảng Ngãi còn rất khiêm tốn. Số lượng doanh nghiệp du lịch trở lại hoạt động chưa nhiều, nhân lực ngành du lịch bị thiếu hụt nghiêm trọng... Thực tế cho thấy, hạ tầng du lịch của Quảng Ngãi còn hạn chế. Toàn tỉnh hiện có 370 cơ sở lưu trú, với tổng số 4.800 phòng. Trong đó, có 2 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 1 sao và 72 khách sạn đủ điều kiện tối thiểu. Hiện có 16 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với trên 180 hướng dẫn viên du lịch... Các sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn chưa có tính đột phá, thiếu đặc trưng; du lịch cộng đồng tại các địa phương còn thiếu đồng bộ. 

Du khách tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cho rằng, Quảng Ngãi đa dạng tiềm năng nhưng vẫn tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực vì nhiều lý do khác như: Cơ chế, chính sách, hạ tầng giao thông, nhân lực du lịch còn thiếu và yếu. Đặc biệt, để xây dựng Lý Sơn trở thành hạt nhân du lịch, ngay từ bây giờ cần quy hoạch bài bản, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan, có cơ chế miễn giá vé cho hướng dẫn viên du lịch...

Theo Giám đốc Khu du lịch Suối Chí (Nghĩa Hành) Nguyễn Hữu Hoa, Quảng Ngãi cần khôi phục chợ đêm, các dịch vụ về đêm. Cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch công viên Thiên Bút khi có nhà đầu tư mới. Khu vực này nên quy hoạch trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ kết hợp chợ đêm... Giám đốc Chi nhánh Best Tour Nguyễn Đức Huy nêu quan điểm, Quảng Ngãi cần có cơ chế, chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại địa phương. Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố phải có sản phẩm du lịch và đa dạng sản phẩm du lịch, có vậy doanh nghiệp mới có thể khai thác hiệu quả. Cần đánh giá lại chất lượng các cơ sở lưu trú và có sự quan tâm đầu tư. Cần có trung tâm hội nghị lớn để tổ chức những sự kiện tại Quảng Ngãi.

Cần quan tâm đầu tư

Những hạn chế, bất cập nêu trên cần được quan tâm tháo gỡ để ngành du lịch Quảng Ngãi phát triển. Tỉnh cần đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư đủ tiềm lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thành các khu, điểm du lịch có sức hút với du khách. Ông Nguyễn Tiến Dũng thừa nhận, Quảng Ngãi nằm ở vị trí thấp trong bản đồ du lịch ở khu vực miền Trung, một trong những nguyên nhân đó là do công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được đẩy mạnh, hạ tầng dịch vụ du lịch còn yếu kém... 

Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông, từng bước đáp ứng các yêu cầu để phát triển du lịch. Tỉnh vừa thông qua quy hoạch Quảng trường biển, phát triển du lịch sinh thái tại vùng biển Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi). Bên cạnh đó, đầu tư phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo; đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, tạo điều kiện quy hoạch phát triển du lịch. “Phát triển hạ tầng giao thông không phải vấn đề một sớm một chiều. Tuy nhiên, với hướng đầu tư hiện nay của tỉnh, chắc chắn rằng sau năm 2025, hạ tầng du lịch Quảng Ngãi sẽ có thay đổi đáng kể", ông Dũng khẳng định.

Trong năm 2023, chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao kích cầu du lịch ở Quảng Ngãi sẽ được tổ chức như: Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, Giải bóng chuyền nữ bãi biển cấp tỉnh mở rộng, Giải dù lượn toàn quốc Lý Sơn, Giải điền kinh “Cung đường đảo Lý Sơn”, giải bơi vượt biển... Đây là cơ hội để quảng bá, thu hút du khách đến với Quảng Ngãi.

Bài, ảnh: Kim Ngân

Nguồn: Báo Quảng Ngãi - baoquangngai.vn - Đăng ngày 03/03/2023