Liên Hợp Quốc thông qua thỏa thuận lịch sử bảo vệ đại dương

Cập nhật: 09/03/2023
Sau nhiều năm đàm phán, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cuối cùng đã đạt được đồng thuận về một hiệp ước đại dương mang tính lịch sử.

Đại dương chiếm khoảng 70% diện tích bề mặt trái đất. Không chỉ là nơi sinh sống của vô số loài sinh vật biển, nơi đây còn lưu trữ nhiều đặc tính địa chất của hành tinh, góp phần làm đa dạng sinh học. Các hệ sinh thái đại dương tạo ra một nửa lượng O2 mà chúng ta hít thở, chiếm 95% sinh quyển của hành tinh. Không những vậy, đại dương còn hấp thụ CO2, đóng vai trò là bể chứa CO2 lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, các quy tắc quản lý biển, đại dương chưa thực sự được triển khai hợp lý, đã khiến khu vực này dễ bị khai thác, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, sau gần 20 năm đàm phán, Liên Hợp Quốc đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên, hướng đến phát triển bền vững môi trường đại dương và biển cả. Theo giới quan sát, hiệp ước lịch sử này có vai trò rất quan trọng để thực thi cam kết 30x30 của Công ước Đa dạng sinh học được Liên Hợp Quốc triển khai hồi tháng 12/2022. Theo đó, hiệp ước sẽ đề ra các giải pháp nhằm bảo vệ 1/3 biển và đất liền vào năm 2030.

Ảnh minh họa

Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và bảo đảm sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của hơn 100 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do Liên Hợp Quốc chủ trì tại New York (Mỹ). Hiệp ước này được thông qua một ngày sau hạn chót dự kiến ban đầu.

Hiệp ước mới này sẽ cho phép thành lập các khu bảo tồn trong các vùng biển quốc tế, nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia. Hiệp ước cũng buộc các quốc gia phải đánh giá tác động của các hoạt động được đề xuất trên đại dương đối với môi trường. Hiệp ước sẽ được chính thức thông qua sau khi ngôn từ được các luật sư xem xét chặt chẽ và được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc.

Dù văn bản chính thức chưa được công bố, song các nhà hoạt động môi trường coi việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là "bước đột phá" trong việc bảo vệ đa dạng sinh học. Theo tổ chức Greenpeace, để đạt được mục tiêu sáng kiến 30x30, từ nay cho đến năm 2030, mỗi năm thế giới cần bảo vệ được 11 triệu km2 đại dương. Rất ít các vùng biển khơi được bảo vệ, trong khi vấn nạn ô nhiễm, axit hóa và đánh bắt cá quá mức đang là mối đe dọa ngày một lớn. 

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, biển cả là vùng biển quốc tế, bao gồm tất cả vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Do đó, biển cả không thuộc quyền tài phán của bất kỳ nước nào. Mặc dù biển cả chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái Đất, song biển cả rất ít được chú ý tới. Hiện chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ. Do đó, khi có hiệu lực, hiệp ước này sẽ cho phép tạo ra các khu vực được bảo vệ trong các vùng biển quốc tế.

Thu Thảo

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 06/03/2023