Bảo vệ động vật hoang dã bằng nghệ thuật

Cập nhật: 14/03/2023
Trong khán phòng Nhà hát quốc gia Kenya tại thủ đô Nairobi, ca sĩ Steven Ogweno, nghệ danh Stivi Stivi, cất cao tiếng hát trong tiết mục biểu diễn một ca khúc do chính anh sáng tác nhằm kêu gọi công chúng hãy bảo tồn, bảo vệ các loài động vật và dừng việc mang động vật hoang dã khỏi rừng xanh để thuần hóa.

Ca sĩ Steven Ogweno biểu diễn ca khúc kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã tại Kenya

Ca khúc Bunga được Ogweno sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, là hành động thiết thực của anh góp phần bảo vệ các loại động vật. Steven Ogweno chia sẻ: “Tôi rất yêu động vật hoang dã. Đó là lý do tại sao tôi thường đến thăm các công viên quốc gia chỉ để được nhìn thấy chúng. Tôi ủng hộ việc bảo vệ những động vật này thông qua nghệ thuật, vì muốn chúng được tiếp tục sống trong môi trường tự nhiên”.

Ogweno là một trong nhiều nghệ sĩ Kenya mượn nghệ thuật để gửi thông điệp về bảo tồn, gửi lời khuyên và sự đồng cảm tới công chúng trong bảo vệ các loài động vật hoang dã. Hàng loạt ca khúc ca ngợi thiên nhiên ra đời, được lan truyền trên nhiều kênh truyền thông và thông qua những buổi biểu diễn đã khiến giới trẻ nhìn nhận sâu sắc hơn về bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống trong lành của các loài động vật.

Kêu gọi bảo vệ thiên nhiên theo phong cách mới từ giới nghệ sĩ cũng đã tạo cảm hứng cho người dân Kenya. Họ có những cách làm sáng tạo để chung tay truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật - mà Dancan Shear là một ví dụ.

Trong 3 năm qua, chàng trai trẻ Dancan Shear đã tận dụng bìa carton phế thải để tạo ra những tác phẩm mang hình ảnh của con người, động vật… Công việc này được Shear bắt đầu từ năm 2020, sau khi anh bị mất công việc đầu bếp do đại dịch Covid-19. Dự án sáng tạo dần hình thành khi chàng trai 23 tuổi này dùng bìa cứng làm đồ chơi bán cho trẻ em trong khu phố Kasarani với giá 50 shilling Kenya (0,39 USD). Dần dần, thông qua mạng xã hội, Shear lan tỏa thông điệp mọi người hãy cùng giảm thiểu rác thải bằng cách tái sử dụng bìa carton thành thứ có ích, thay vì thải ra môi trường. Trong cảm nhận của Shear, các loài vật cũng có tình cảm như con người, và người dân Kenya cần hành động để bảo vệ các loài động vật hoang dã - nguồn di sản phong phú của đất nước, qua đó thu hút nhiều khách du lịch đến với nước này.

Bà Edith Kabesiime, Giám đốc Chiến dịch động vật hoang dã thuộc tổ chức phi lợi nhuận quốc tế Bảo vệ động vật thế giới, cho rằng, nghệ thuật sẽ gợi lên lòng trắc ẩn và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài động vật hoang dã. Theo bà Kabesiime, loài vật có quyền sống trong tự nhiên, không bị nuôi nhốt như thú cưng hoặc được sử dụng cho mục đích y học. Chúng có những giá trị riêng của mình nên các cơ quan chức năng cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết dứt điểm nạn buôn bán bất hợp pháp, nhất là đối với các loài động vật như tê tê, rắn, vẹt.

Nhiều năm qua, Kenya đã duy trì chính sách bảo vệ động vật hoang dã rất nghiêm ngặt. Những người bắt giết động vật hoang dã sẽ bị phạt tù nếu cố tình bắt giết những loài quý hiếm như voi, sư tử, tê giác, hươu cao cổ… Kenya cũng là một trong những nước châu Phi chú trọng đến việc bảo vệ hệ sinh thái động vật hoang dã, vì đây là nguồn thu lớn trong du lịch. Tuy du khách đến Kenya không quá nhiều nhưng mức chi tiêu trên đầu người của khách du lịch tại Kenya khá cao, nhất là chi phí cho phòng nghỉ, di chuyển, vé tham quan khu bảo tồn. Kenya không muốn phát triển ồ ạt lượng du khách vì có thể sẽ làm mất đi vẻ thanh bình của khung cảnh thiên nhiên hoang dã và ảnh hưởng đến đời sống của các loài động vật hoang dã tại đây.

Phương Nam

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng - sggp.org.vn - Đăng ngày 12/03/2023