Cát Bà vui - buồn

Cập nhật: 10/08/2009
Cát Bà - Vùng đất nổi tiếng có những cảnh đẹp khiến du khách háo hức rủ nhau tới tham quan đang ngày càng khiến khách du lịch ra về mà trong lòng còn quá nhiều điều không vừa lòng. Từ Hải Phòng ra Cát Bà thú nhất là đi bằng đường bộ. Ngoài việc được ngắm khung cảnh hữu tình, lại còn được đi qua Vườn quốc gia Cát Bà, nơi có thể hi vọng gặp được loài Voọc mặt trắng nổi tiếng trong Sách đỏ.

Nhưng đi đường bộ ra Cát Bà giờ kém thơ mộng đi nhiều, vì đoạn đường từ Hải Phòng ra tới phà Đình Vũ đúng là một cực hình với du khách vì đường quá xấu. Đình Vũ giờ là một KCN có lợi thế nhất nhì miền Bắc và người ta nhồi nhét ra đây đủ loại dự án, từ bãi rác sinh hoạt rất lớn bốc mùi kinh khủng và tới nhà máy sản xuất phân bón.

Du lịch bực bội

Bước xuống bãi tắm giờ cũng kém vui vì có quá nhiều khách tắm, nhưng cơ sở hạ tầng phục vụ lượng khách to lớn ấy lại chưa tương xứng. Phòng thay đồ, tắm tráng hệt một nhà kho hợp tác xã cải tạo lại. Vài bước chân cách khu thay quần áo là thiên đường “chặt chém” với mấy chòi tranh tre nứa lá của các chủ thầu. Giá cả tại khu tắm chưa là gì so với màn “chém” với nhu cầu nghỉ. Dù chỉ treo biển nhà nghỉ nhưng giá phòng tại Cát Bà vào những ngày cuối tuần có thể lên tới 700.000 VND – 800.000 VND/phòng/ngày. Trong khi đó ngày thường giá chỉ khoảng 300.000 VND/phòng. Dù UBND huyện thường xuyên yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết không tăng giá nhưng thực ra yêu cầu này chẳng là gì khi lượng khách tới quá đông trong những ngày cuối tuần mà lượng phòng lại chỉ có hạn.

Ở Cát Bà nơi đáng du lịch nhất lại không phải trong thị trấn, các bãi tắm, công viên nước thường không hoạt động... hay Vườn Quốc gia Cát Bà. Những nơi này giờ đã bình thường hóa bằng những quang cảnh hệt trong... phố. Nghĩa là lôm nhôm với đủ loại người, đủ kiểu phục vụ, khai thác...

Một kiểu đi chơi khá thú vị ở nơi đây là có thể thuê tàu lang thang trong làng nuôi cá bè tại Cát Bà. Sinh hoạt trên làng nuôi cá bè này là loại sinh hoạt độc đáo, thú vị và hiếm gặp bậc nhất. Có hàng trăm bè cá lớn nhỏ cùng ở trong một khu vực vịnh rộng lớn. Và mỗi sáng, khi mặt trời lên trên biển Cát Bà, lũ cá quẫy mình đòi ăn xao động cả một vùng nước... Ở làng cá bè này, người ta đi lại, trao đổi, mua bán mọi thứ, từ tấm lưới, cho đến viên pin, cái kim khâu... đều bằng thuyền, và những đứa trẻ có thể biết bơi trước khi biết đi. Chỉ tiếc là du khách chưa biết nhiều đến loại hình du lịch tham quan tìm hiểu làng nuôi cá bè độc đáo ấy.

Đến bao giờ... ?

Chán xuống biển, có thể rời tàu lên... rừng – vốn cũng là một thế mạnh của Cát Bà nhưng ít người để ý (trừ khách... Tây). Ở Cát Bà, ngoài thăm thú Vườn quốc gia, có thể thuê xe đạp đôi để lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của đảo. Nét độc đáo của Cát Bà là ở chỗ, người dân ở đây vô cùng hiền hòa, mến khách. Và đó là một thế mạnh để phát triển du lịch. Du khách có thể len lỏi khắp đảo và luôn được hỗ trợ từ người dân trong mọi... tình huống. Tại thôn Liên Minh bốn bề vây bọc bởi núi, du khách có thể được ngồi giữa một căn chòi đơn sơ gắn vài chiếc mõ gió. Ở đó có món gà quay phết mật rất ngon chỉ có ở Cát Bà. Có cô bé phục vụ luôn đỏ mặt và chỉ chực bỏ chạy khi bưng đồ ăn cho khách. Có món rượu ong thơm nồng, uống êm ái tới mức... say lịm lúc nào không biết ! Ngoài ra, còn có thể du lịch mạo hiểm như leo núi.

Vậy đó, hóa ra cái cần khai thác ở Cát Bà là một kiểu du lịch thiên nhiên thuần nhất, với biển xanh, cát trắng, rừng già, món ngon bản địa và những cư dân hiền hòa, mến khách. Những kiểu nhà ống, kiểu phục vụ cơm “bụi” vốn đầy rẫy trong cuộc sống thường ngày không nên xuất hiện ở một nơi đẹp đẽ như Cát Bà.

 

Nguồn: DĐDN