Di sản thiên nhiên thế giới: Đa dạng sinh học ở Phong Nha – Kẻ Bàng được bảo vệ thế nào?

Cập nhật: 18/04/2023
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, và được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào ngày 3 tháng 7 năm 2015.

2 lần được công nhận “Di sản thế giới”

Cách thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) khoảng 50 km, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) là một vùng khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm trung bình chỉ 20 – 24 độ C được đánh giá là một trong hai vùng núi đá vôi rộng nhất thế giới, với diện tích trên 200.000 ha (trong đó, diện tích vùng lõi là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha). Đặc trưng của khu vườn quốc gia này là những kiến tạo đá vôi dạng karst hàng triệu năm tuổi với hơn 300 hang động và hệ thống các sông ngầm. Hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm đang tồn tại, trong đó có nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, chính là nguồn cảm hứng cho du khách và các nhà khoa học về đây khám phá.

Năm 2001, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được thành lập theo Quyết định số 189/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/12/2001. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Vườn Quốc gia có tổng diện tích là 85.754 ha, trong đó Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích là 64.894 ha, Phân khu Phục hồi sinh thái diện tích là 17.449 ha và Phân khu Hành chính dịch vụ có diện tích là 3.411 ha. Năm 2003, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị địa chất, địa mạo và địa lý nổi bật toàn cầu. Năm 2015, nơi đây được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) lần thứ hai ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới về giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn; sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Đa dạng sinh học cao

Trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn tồn tại một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh ít bị tác động và có tính đa dạng sinh học cao. Có 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,57% diện tích, trong đó, 83,74% diện tích là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động.

Tại vùng này theo số liệu điều tra, bước đầu có nhiều loài thực vật đặc hữu của rừng núi đá vôi như Chò đãi, Chò nước, Trầm hương, Nghiến, Sắng, Ba kích và Sao… Phong Nha – Kẻ Bàng ghi nhận sự có mặt của 2.951 loài thực vật thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành. Trong đó có 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 39 loài có tên trong Nghị định 32-2006/NĐ-CP, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 01 loài có tên trong các phụ lục CITES. Sự đa dạng về hệ thực vật ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bao gồm cả đa dạng về thành phần loài, về nguồn gen và tài nguyên thực vật. Gần đây, các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao ngoài tự nhiên như Bách xanh đá, Lan hài đốm, Lan hài xanh, Lan hài xoắn và nhiều thực vật quý hiếm khác cũng được ghi nhận.

Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn là nơi sinh sống của 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Trong đó, có 110 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 83 loài có trong Sách đỏ Việt Nam. Sự đa dạng về hệ động vật ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bao gồm cả nhóm động vật có xương sống (thể hiện ở đa dạng nhóm thú, nhóm chim, nhóm lưỡng cư – bò sát, nhóm cá) và cả nhóm động vật không xương sống (chân khớp, giun dẹp, thân mềm).

Trong thời gian qua, 38 loài mới cho khoa học đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, trong đó có 02 loài chim, 03 loài ếch nhái, 18 loài bò sát, 06 loài nhện, 09 loài cá. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam, đặc biệt năm 2012, các nhà khoa học ghi nhận mẫu Chuột đá Trường Sơn (Laonastes aenigmamus) thuộc giống Laonestes tại khu vực mở rộng thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng – đây là một đại diện sống duy nhất của họ thú cổ (Diatomyidae) được xem là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Đây là loài mới phát hiện tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng và là loài mới bổ sung vào danh lục thú Việt Nam. Việc phát hiện loài Chuột đá Trường Sơn là một trong các ghi nhận quan trọng về đa dạng sinh học của VQG và của thế giới, khẳng định nhóm động vật này không chỉ sinh sống giới hạn ở Lào mà còn cả ở Việt Nam.

Rừng trên núi đá vôi là nơi phân bố nhiều loài Linh trưởng nhất Việt Nam, gồm 10 loài được ghi nhận, chiếm khoảng 50% tổng số loài thuộc bộ Linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài Linh trưởng thuộc bộ Linh trưởng được liệt kê vào Sách Đỏ Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang.  So với các khu bảo tồn và vườn quốc gia khác ở Việt Nam thì độ phong phú của các loài động vật ở Phong Nha - Kẻ Bàng còn khá cao. Các loài quý hiếm, đặc biệt Linh trưởng có số lượng cao nhất trong nước. Vì thế, nơi đây được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới. Đặc biệt trong các hang động của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có các loài động vật kỳ lạ, rất nhiều loài động vật sinh sống bên trong động mà không cần ánh sáng như cá, tôm, bò cạp không mắt.

Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản

Để bảo vệ đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các chuyên gia cho biết, vùng đệm của Vườn trải dài trên địa bàn 13 xã của ba huyện Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh. Dân số trong vùng đệm khoảng 68,5 nghìn người, trong đó có người dân tộc Chứt và Bru-Vân Kiều. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn còn khó khăn, sống dựa vào rừng cho nên tạo ra áp lực lớn đối với công tác bảo vệ rừng và các giá trị đa dạng sinh học của di sản. Do đó, cần xác định, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật để người dân nâng cao nhận thức là biện pháp quan trọng, mang tính bền vững trong các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học. Triển khai nhiều hoạt động như lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn, bản, duy trì hoạt động các câu lạc bộ bảo tồn ở cơ sở, phát tài liệu, ấn phẩm truyền thông, tổ chức hoạt động ngoại khóa tại trường học, vùng đệm về quản lý, bảo vệ rừng và động vật hoang dã.

Các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường công tác bảo vệ, bảo tồn các giá trị của thiên nhiên và đa dạng sinh học, thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định có liên quan khác; tập trung ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ (Phong lan, giáng hương, giổi lấy hạt…); Tổ chức thực hiện các đợt truy quét dài ngày, đi sâu vào những vùng xung yếu, trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý đối tượng vào rừng trái phép;

Tăng cường theo dõi đối tượng săn bắn, bẫy bắt chuyên nghiệp, sử dụng vũ khí để có phương án tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi hệ thống SMART và bẫy ảnh trong tuần tra bảo vệ rừng, giám sát; Tăng cường các hoạt động điều tra, giám sát đa dạng sinh học, các loài động, thực vật quý hiếm để làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn. Đồng thời, nhân giống phục hồi các loài cây quý hiếm như phong lan, huê, giổi xanh, giổi ăn hạt… phục vụ bảo tồn và chuyển giao mô hình cho cộng đồng dân cư các xã vùng đệm.

Lý Lan

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 13/04/2023