Việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn hạn chế

Cập nhật: 13/08/2009
Theo Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng, chuyên gia cao cấp của Ban Tuyên giáo Trung ương, việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn nhiều thiếu sót và hạn chế.

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng đã đưa ra những đánh giá trên trong bài phát biểu khai mạc hội thảo “Bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổ chức theo dõi, giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) tổ chức trong hai ngày 12-13/8/2009, tại Khách sạn Vân Long Resort, Khu Bảo tồn đất ngập nước Vân Long, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ động, thực vật hoang dã và các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ, bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp, gắn với bảo tồn bền vững các tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam.

Trong đó, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành ngày 15/11/2004, xác định 5 nhóm nhiệm vụ: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái; điều tra nắm chắc các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường; đáp ứng yêu cầu vê môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Giáo sư Hùng, thời gian tới cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học và các văn bản dưới luật, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì quản lý.

Ông cũng cho rằng cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, viên chức và người dân thay đổi hành vi và thói quen tiêu thụ không bền vững về sử dụng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã... Các cơ quan báo, đài, phương tiện truyền thông đại chúng cần có những chuyên trang, chuyên mục, thời lượng nhất định với những hình thức phong phú để tuyên truyền phổ biến kiến thức về bảo vệ động thực vật hoang dã, bảo vệ tài nguyên môi trường, tạo dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vị xâm hại động, thực vật hoang dã nguy cấp.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe nhiều báo cáo tham luận của các học giả, những người nghiên cứu chuyên ngành về động, thực vật hoang dã Việt Nam và thế giới, những ý kiến của các nhà quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các đại biểu dự hội thảo “Bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam” cũng dành thời gian thảo luận và tham quan Khu Bảo tồn ngập nước Vân Long...

 

Nguồn: TTXVN