Thừa Thiên Huế: Chuẩn hóa hướng dẫn viên du lịch

Cập nhật: 20/04/2023
Mỗi hướng dẫn viên (HDV) được xem như là một “đại sứ” du lịch. Sự chuẩn mực và chuyên nghiệp là điều cần có để góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng ra thế giới.

 

Mỗi hướng dẫn viên là một "đại sứ" du lịch

Tin tưởng gần như tuyệt đối

Chị Mai Hằng trú tại TP. Huế là một người mê xê dịch. Chị đã đi hơn 10 nước trên thế giới, từ các nước Đông Nam Á, đến các nước vùng Đông Á, sang các nước châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc… và chuyến đi gần nhất của chị là đất nước Ấn Độ.

Theo chị Mai Hằng, mỗi lần đi du lịch, mọi thắc mắc đều thông qua trưởng đoàn (người của công ty du lịch dẫn khách) và đặc biệt là HDV dẫn đoàn. Không như trong nước, khi thắc mắc về một thông tin nào đó sẽ có những phương án kiểm tra thông tin, còn khi đã đi du lịch nước ngoài, mọi thông tin gần như hoàn toàn được HDV giải đáp. Các thông tin về điểm du lịch, đời sống, đặc trưng của các quốc gia đều được tin tưởng gần như tuyệt đối khi HDV nói ra. Khi du khách quốc tế đến với Việt Nam, cũng sẽ tin tưởng tuyệt đối vào những chia sẻ, hướng dẫn của các HDV người Việt phụ trách dẫn đoàn.

Lâu nay, HDV du lịch luôn được xem như là “đại sứ” đưa hình ảnh của mỗi đất nước ra thế giới. Không chỉ có những thông tin chính xác mà HDV cung cấp cho du khách, sự nhiệt huyết, hình thức bên ngoài, tính chuyên nghiệp… cũng là những yếu tố cấu thành nên một “đại sứ” du lịch. Vì vai trò quan trọng đó mà đòi hỏi mỗi một HDV khi hành nghề, không chỉ giải quyết nhu cầu về thu nhập mà còn là cầu nối để quảng bá, giới thiệu đất nước Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế xinh đẹp, giàu văn hóa đến với du khách.

HDV Anh Khoa (HDV xuyên Việt) cho biết, trong quá trình hướng dẫn, đối với mỗi dòng khách sẽ có những cách hướng dẫn khác nhau. Dòng khách châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc dung lượng hướng dẫn sẽ ít hơn. HDV giới thiệu về điểm đến rồi du khách dành nhiều thời gian để tự khám phá. Khi một du khách nào đó có thắc mắc thì HDV sẽ giải thích thêm thông tin.

Mỗi HDV là một “đại sứ” để quảng bá hình ảnh điểm đến, đất nước ra thế giới

Còn với khách nội địa và một số nước châu Á, HDV sẽ hướng dẫn nhiều hơn. Phải luôn cố gắng tạo ra bầu không khí vui vẻ cho du khách. Chính vì làm sao cho khách hài lòng nên một số HDV phải làm trò, tìm những câu chuyện phiếm gây cười cho du khách nghe. Tất nhiên, những câu chuyện phiếm đó HDV phải đính chính lại, nếu không du khách sẽ tin đó là sự thật.

Đưa văn hóa ra thế giới

Chị Mai Hằng chia sẻ, qua những chuyến du lịch nước ngoài, có một điều được nhận thấy là các HDV ở các nước thường chỉ kể những câu chuyện tốt về đất nước họ. Những câu chuyện, hay những vấn đề ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước thì các HDV ít khi đề cập đến, hoặc có cũng chỉ nói một cách ngắn gọn.

“Tôi qua Thái Lan, HDV hướng dẫn đoàn cho biết, trên xe có gắn camera giám sát và ngành du lịch nước này có các quy định rất nghiêm ngặt về những thông tin mà HDV cung cấp. Nếu vô tình nói những câu chuyện không được phép, đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín hoàng gia thì mức xử lý rất nặng, thậm chí tước giấy phép hành nghề. Chính vì vậy, các HDV rất cẩn thận trong lời nói”, chị Hằng kể.

Trên thực tế, đại đa số HDV trong nước cũng thực hiện tốt vai trò này. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, với những người làm nghề HDV du lịch, việc nói đùa, kể chuyện phiếm, thậm chí là bịa chuyện khi hướng dẫn là không phải ít và dần trở nên phổ biến. Chính việc sử dụng những câu chuyện thiếu sự chuẩn mực, thuyết minh câu chuyện mang tính truyền miệng, không phải chính sử trong không gian Đại Nội, mà một HDV vô tình làm gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh chung của HDV du lịch. Đó là lời nhắc nhở cho tất cả các HDV khác cần nghiêm túc hơn trong việc hướng dẫn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua ngành đã tiến hành các đợt kiểm tra để chấn chỉnh hoạt động HDV trên địa bàn. Yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành sử dụng HDV yêu cầu các HDV phải nghiêm túc, khi hướng dẫn phải sử dụng thông tin đã được chuẩn hóa. Trong đợt cập nhật kiến thức cho đội ngũ HDV cuối tháng 3 vừa qua, ngành cũng đã nhấn mạnh vấn đề này đến các học viên.

Trở lại với chuyện trên xe du lịch có gắn camera giám sát ở Thái Lan. Một điều được nhận thấy là cơ chế giám sát hoạt động, đặc biệt là giám sát thông tin mà các HDV cung cấp cho du khách trong nước nói chung và Huế nói riêng gần như là không có. Khi vòng “kim cô” chưa có thì rõ ràng việc không thể kiểm soát thông tin là điều khó tránh khỏi. Như trường hợp của HDV trên, nếu không có sự vô tình quay lại được thì có lẽ câu chuyện này cũng không ai biết. Và trên thực tế cũng không biết có bao nhiều câu chuyện như thế đã được thông tin đến du khách.

Tin chắc, mỗi một HDV đều nhận thức được rằng những tác động mà đôi lúc những lời nói chỉ tưởng gây cười nhưng để lại những hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống cá nhân. Sự tiết chế, sử dụng thông tin phù hợp, chính xác là điều mà các HDV sẽ thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian đến.

Công cụ giám sát để đưa hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và hoạt động HDV nói riêng đi vào quy củ là rất cần thiết. Quan trọng hơn cả vẫn là chính ý thức của mỗi một HDV. Đó là thực hiện đúng các quy định, không ngừng nâng cao chuyên môn và đặc biệt phải biết rằng, mỗi HDV là một “đại sứ” để quảng bá hình ảnh điểm đến, đất nước ra thế giới nên mọi hướng dẫn phải thật sự chuẩn mực và chuyên nghiệp.

Bài, ảnh: Quang Sang

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Ngày đăng 15/04/2023