Hà Nội: Cứu hộ, chăm sóc nhiều động vật rừng quý hiếm

Cập nhật: 09/05/2023
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (Sở NN&PTNT Hà Nội) có chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập, cung cấp động vật hoang dã các thế hệ sau (F2). Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn nhiều động vật rừng quý hiếm, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Chăm sóc hổ tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Hoàng Sơn

Năm 2023, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp tục được quan tâm, phân bổ kinh phí sớm để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trung tâm đã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung công việc được UBND thành phố và Sở NN&PTNT giao. Ngoài ra, để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-TTCH phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, công nhân viên theo phương châm “một việc - một đầu mối xuyên suốt” và “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kết quả, trong 4 tháng qua, Trung tâm đã tiếp nhận 16 vụ bàn giao động vật hoang dã từ các tổ chức, cá nhân với 525 cá thể và 70kg rắn các loại, tăng gần 200 cá thể so với cùng kỳ năm 2022. Đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm khám bệnh định kỳ (9 đợt) cho gần 1.100 lượt động vật, điều trị 17 đợt cho gần 300 lượt động vật mắc các bệnh về viêm xương khớp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng vết thương, co giật thần kinh...

Theo Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ cứu hộ (Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội) Nguyễn Duy Hải, số động vật sau cứu hộ, chăm sóc tốt đều được Trung tâm tái thả về môi trường tự nhiên. Cụ thể, trong tháng 2-2023, Trung tâm đã thả 183 cá thể động vật về Vườn quốc gia Ba Vì; chuyển giao 542 cá thể và 10,3kg rắn cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen... Ngoài cứu hộ, Trung tâm còn thực hiện tốt công tác bảo tồn đối với 654 cá thể và 96kg rắn các loại, trong đó có nhiều loài quý hiếm thuộc phụ lục I, nhóm IB, nhóm IIB như: Rùa đầu to, hạc cổ trắng, chim hồng hoàng, hổ, gấu…

Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong năm 2023, Trung tâm tiếp tục xây dựng theo hướng chuyên môn hóa từng lĩnh vực, từng công việc cụ thể, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cứu hộ động vật hoang dã. Phối hợp với các tổ chức quốc tế, vườn thú, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác cứu hộ động vật hoang dã để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ, công nhân viên của Trung tâm.

Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lê Xuân Sơn cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm luôn tuyên truyền tới cán bộ, công nhân viên tinh thần lấy động vật làm trung tâm để đổi mới, thay đổi phương pháp làm việc, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, Trung tâm cũng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người lao động; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn; xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh; thực hiện nghiêm việc đánh giá, kiểm điểm rút kinh nghiệm trong mọi hoạt động của đơn vị; động viên kịp thời tập thể có thành tích và cá nhân có sáng kiến hay, tận tâm với nghề...

Để công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã đạt hiệu quả cao nhất, Trung tâm đang đề nghị Sở NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội sớm triển khai dự án mở rộng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội lên 13ha theo chủ trương đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua trong năm 2022. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng Trung tâm theo hướng hiện đại, áp dụng các biện pháp cứu hộ động vật tiên tiến trên thế giới vào thực tế tại đơn vị; đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên tại Trung tâm nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu hộ, phục hồi, tái thả động vật hoang dã về tự nhiên; góp phần tích cực vào bảo tồn đa dạng sinh học ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung…

Thanh Hiếu

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.vn - Ngày đăng 06/05/2023