Quảng Ninh: Hài hoà lợi ích khi phát triển du lịch ở các khu bảo tồn rừng

Cập nhật: 18/05/2023
Quảng Ninh có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên với giá trị cao về đa dạng sinh học cũng như cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Các đơn vị quản lý hầu như đều mong muốn khai thác nguồn tài nguyên này phục vụ cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhằm phát triển kinh tế - xã hội nói chung, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho cộng đồng và người dân địa phương gắn với phát triển rừng bền vững nói riêng.

Giàu có về nguồn tài nguyên du lịch

Vẻ đẹp nguyên sơ của rừng ngập mặn Cái Lim thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long. 

Vừa qua, chúng tôi có dịp đi khảo sát tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (TP Hạ Long) và Vườn quốc gia Bái Tử Long tại Vân Đồn. Theo đánh giá, Vườn quốc gia Bái Tử Long là nơi lưu giữ những giá trị thiên nhiên và văn hóa đặc sắc trong vùng Đông Bắc Việt Nam, bao gồm giá trị đa dạng sinh học cao, cảnh quan đẹp và hoang sơ, môi trường trong sạch ít bị ô nhiễm. Chuyến khảo sát của chúng tôi mặc dù chỉ ở khu vực Cái Lim thôi nhưng đã khiến ai nấy đều xuýt xoa bởi vẻ đẹp độc đáo, hoang sơ, nhất là khu rừng lim xanh trăm tuổi, khu rừng ngập mặn lâu niên cùng thung áng hang Dơi nơi đây.

Còn với Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, hệ sinh thái rừng nơi đây được xem như “lá phổi xanh” của Quảng Ninh. Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, nơi đây còn được đánh giá cao về tài nguyên du lịch tự nhiên với nhiều dãy núi cao, nhiều hệ thống sông, hồ, suối, thác nước dựng đứng, đan xen giữa rừng xanh bạt ngàn tạo thành khung cảnh tự nhiên “sơn thủy hữu tình”, khí hậu mát mẻ quanh năm, được coi như “cỗ máy điều hòa khổng lồ” cho TP Hạ Long. Các khu vực dân cư lân cận mang những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào vùng cao dân tộc thiểu số, tạo nên sức hấp dẫn riêng cho nơi đây khi làm du lịch.

Cả 2 khu vực này, một bên là đất liền, một bên là biển đảo, đều gần với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, nơi đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế hàng năm.

Suối nước trong veo tại khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Hiện nay, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đang xây dựng phương án thí điểm triển khai 3 tuyến du lịch phục vụ du khách trong năm 2023. Phương án phát triển rừng bền vững mà Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng đề xuất cũng định hướng các loại hình du lịch chính, như: Du lịch sinh thái - trải nghiệm thiên nhiên, du lịch khám phá thiên nhiên/mạo hiểm leo núi, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch văn hóa phi vật thể, vật thể, du lịch hội nghị, hội thảo và du lịch cộng đồng. Sản phẩm du lịch chính như: Tham quan, check in, tắm suối, bơi lội, câu cá, thư giãn, ngắm cảnh trong rừng, du lịch học tập/nghiên cứu, du lịch ẩm thực truyền thống (rượu chua, canh gà nấu gừng, ốc khe…), du lịch chăm sóc sức khỏe (tắm thuốc nam người Dao)...

Qua tìm hiểu cho thấy, các đơn vị đều rất mong muốn đưa nguồn tài nguyên rừng được dày công gìn giữ, bảo tồn thời gian qua vào phát triển du lịch. Việc này có nhiều lợi ích, từ giải quyết sinh kế cho cộng đồng dân cư xung quanh, địa phương, cải thiện đời sống những cán bộ, nhân viên ngày đêm gìn giữ rừng, góp phần bảo tồn, khai thác, phát huy tối đa nguồn tài nguyên rừng và phát triển bền vững rừng.

Thực tế, khi các đơn vị còn đang trăn trở xây dựng phương án khai thác du lịch từ nguồn tài nguyên rừng hoặc đang chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý nhà nước thì thời gian qua, nhiều cá nhân, nhóm đã linh hoạt xây dựng những mô hình du lịch nhỏ lẻ phục vụ du khách. Bởi lẽ, với cảnh quan đặc sắc, hoang sơ của các khu bảo tồn có sức hấp dẫn tự nhiên, nhu cầu tham quan trải nghiệm của du khách, nhất là du khách trẻ ngày càng đông với những điểm đến mới lạ thì các khu bảo tồn rừng là lựa chọn khá lý tưởng.

Điều này bên cạnh lợi ích cũng tạo ra mối lo ngại về việc xâm hại rừng cũng như việc đảm bảo an toàn cho du khách trải nghiệm. Bởi lẽ, như với Vườn quốc gia Bái Tử Long đa phần là đảo, hạn chế về phương tiện di chuyển còn tạo những khó khăn nhất định, chứ với Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có diện tích trải rộng, nhiều cửa ngõ vào rừng, thì việc quản lý du khách là rất khó.

Loại hình kén khách, đòi hỏi du lịch có trách nhiệm

Trở lại với phương án đề xuất khai thác rừng bền vững cho phát triển du lịch của Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, đơn vị nhấn mạnh yếu tố du lịch có trách nhiệm, tuỳ thuộc vào tự nhiên, thích nghi với tự nhiên chứ không biến đổi tự nhiên. Khi tổ chức du lịch sinh thái, nguyên tắc về môi trường sinh thái được đặt lên hàng đầu.

Điều đó có nghĩa là phải làm cho du khách chấp nhận điều kiện, hoàn cảnh tự nhiên nơi đây với những hạn chế của nó hơn là làm biến đổi môi trường cho sự thuận tiện cá nhân. Du lịch sinh thái phải đem lại cho khách du lịch những kinh nghiệm được hoà đồng vào tự nhiên, làm tăng sự hiểu biết về tự nhiên, tránh xu hướng khai thác quá mức thiên nhiên…

Thiết nghĩ, đây cũng là điều kiện vô cùng cần thiết với làm du lịch ở bất cứ một khu bảo tồn thiên nhiên nào chứ không riêng ở Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Bởi lẽ, các điểm đến trong các tuyến tham quan thường cũng là những khu vực chứa đựng giá trị về cảnh quan và đa dạng sinh học cao của các khu bảo tồn. Nhiều địa điểm còn nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt... Vì vậy, dưới góc độ làm du lịch, việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thường mâu thuẫn với công tác bảo tồn và gặp rào cản bởi các quy định hiện hành về lâm nghiệp. Còn dưới góc độ du khách thì những điểm đến này khá kén khách, chỉ phù hợp cho những du khách ưa thích khám phá mạo hiểm, có thể lực cùng một số những kỹ năng cần thiết khi du ngoạn trong rừng.

Đơn giản như ở Đồng Sơn - Kỳ Thượng vào mùa hè, khi nước suối dâng cao thì việc di chuyển sẽ đòi hỏi sự cẩn trọng cao của du khách. Việc khám phá những đỉnh núi cao cần thời gian dài và người có kinh nghiệm dẫn đường… Ở Cái Lim, đầu tiên và đơn giản nhất là du khách phải trang bị để đối phó với loài dĩn biển, vốn nhỏ xíu nhưng vết cắn sưng đỏ gây ngứa của chúng lưu lại rất lâu trên da. Việc tổ chức tour tuyến cũng không thể tuỳ ý về thời gian, đơn cử như với việc khám phá rừng ngập mặn thì những hôm triều cường gần như là không thể. Và việc di chuyển trong rừng dù ở đâu đều cần đề phòng nguy cơ với những loại côn trùng gây độc, thú hoang nguy hiểm cũng như có những thiết bị bảo hộ, phục trang đặc thù, phù hợp…

Hài hoà giữa bảo tồn và phát triển

Khi đề ra định hướng phát triển du lịch ở các khu bảo tồn thì bài toán bảo tồn các hệ sinh thái rừng và phát triển kinh tế luôn đặt ra nhằm tìm những giải pháp hiệu quả, giảm thiểu sự xung đột về lợi ích. Ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, chúng tôi đã đề cập ở phần trên bài viết, còn với Vườn quốc gia Bái Tử Long, ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc đơn vị từng chia sẻ: Với các hoạt động du lịch trong phạm vi Vườn quốc gia Bái Tử Long, chúng tôi sẽ đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các định hướng để các doanh nghiệp, đơn vị khai thác dựa trên cơ sở nền tảng bảo vệ, duy trì và phát huy các giá trị sinh thái của Vườn quốc gia Bái Tử Long mà lâu nay chúng tôi đang gìn giữ.

Việc khám phá rừng ngập mặn tại Cái Lim (Vườn quốc gia Bái Tử Long) chỉ thực hiện được vào những hôm nước cạn, khi triều dâng có thể ngập ngang người. 

Ông cũng cho hay, các sản phẩm du lịch mà đơn vị đề xuất khai thác tại đây cũng đều hướng tới những trải nghiệm cho du khách, như trải nghiệm trên rừng, trải nghiệm trong rừng ngập mặn, hồ nước mặn, thậm chí là trải nghiệm dưới đáy biển, chủ yếu là những trải nghiệm mang tính quan sát, khảo nghiệm, không có sự can thiệp vào các hệ sinh thái của Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Qua khảo sát tại đây, GS.TS Trương Xuân Lam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), đánh giá: Nếu phát triển các tour du lịch có tính chất mạo hiểm đi tham quan, du lịch ở Cái Lim thì cũng có thể ảnh hưởng tới hệ sinh thái của rừng ngập mặn. Tuy nhiên, nếu chúng ta có cách thức hướng dẫn, có nội quy cụ thể và có chế tài hợp lý thì chúng ta vẫn vừa bảo vệ được hệ sinh thái tự nhiên nơi đây vừa có thể tạo ra các tour du lịch hợp lý, an toàn, hài hoà giữa lợi ích của du lịch cũng như bảo tồn được các giá trị của Vườn quốc gia Bái Tử Long… 

Phan Hằng

Nguồn: Báo Quảng Ninh - baoquangninh.com.vn - Đăng ngày 14/05/2023