Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá

Cập nhật: 24/05/2023
Ngày 23/5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo “Cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá” (PCTHTL) nhằm đẩy mạnh tuyên truyền PCTHTL tại Việt Nam.

Tại hội thảo, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, hút thuốc lá có những tác hại khôn lường đến sức khoẻ, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội. Vì vậy, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh truyên truyền PCTHTL để bảo vệ sức khoẻ người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước và giảm gánh nặng về kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết: thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.

Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Trong những năm qua, với những nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, công tác PCTHTL đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3%, xuống 42,3%. Với các kết quả như trên, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính, chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.

ThS. BS. Nguyễn Thị An – Giám đốc Tổ chức HealthBridge Việt Nam chia sẻ: khói thuốc lá chứa 7.000 hợp chất độc hại, 69 hợp chất gây ung thư. Nicotine trong thuốc lá gây nghiện, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Khói thuốc gây nên những tác động nghiêm trọng tới trẻ trong suốt giai đoạn từ khi thụ thai, thơ ấu và thanh thiếu niên. Việc sử dụng thuốc lá sớm ở trẻ em và thanh thiếu niên gây nghiện sớm, khó cai hơn, ảnh hưởng sớm đến sức khỏe, sự phát triển não bộ, khả năng học tập, khả năng lao động, chất lượng giống nòi.

Việt Nam trong số quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Giai đoạn 2010 - 2020 tỷ lệ hút thuốc người trưởng thành giảm chậm, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động vẫn ở mức cao.

Toàn cảnh hội thảo

Năm 2020, số tiền chi mua thuốc lá của người Việt Nam là 49.000 tỷ đồng. Tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh/tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá ~ 1% GDP (2014), tương đương 24.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng quy định: Tại Điều 6, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 5/4/2016 (có hiệu lực 1/6/2017), các hành vi bị nghiêm cấm “Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em”.

Luật PCTHTL số 09/2012/QH13, được Quốc hội thông qua 18/06/2012 và có hiệu lực 01/05/2013, Điều 9: Các hành vi bị nghiêm cấm: 4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; 5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; 6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

Theo ThS. Đào Thế Sơn – Đại học Thương mại chia sẻ: việc sử dụng thuốc lá dẫn đến các bệnh mãn tính điều trị tốn kém và tử vong sớm, gây gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình. Nghiện thuốc lá, làm cạn kiệt nguồn thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình nghèo nhất. Các công ty thuốc lá định giá thấp cho nông dân trồng thuốc lá nghèo và ở nhiều nơi ký các hợp đồng trồng trọt, khiến nông dân trong vòng nợ nần. Thuốc lá làm nghèo các chính phủ, do gánh nặng tài chính ngân sách cho y tế, mất năng suất lao động, thiệt hại môi trường, cùng những vấn đề khác...

ThS. BS. Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ thêm, thuốc lá, rượu bia, và nước ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong sớm. Việt Nam có tỷ lệ cao sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe này. Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này là biện pháp hiệu quả nhất và đôi bên cùng có lợi: vừa bảo vệ sức khỏe, vừa tăng nguồn thu từ thuế cho Chính phủ.

Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, cần có đề xuất, ủng hộ tăng thuế thuốc lá, đồng thời cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức.

Lê Tú

Nguồn: Tạp chí Du lịch - vtr.org.vn - Đăng ngày 23/05/2023