Đắk Lắk: Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh gắn với du lịch

Cập nhật: 02/06/2023
Ngày 1/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo thông qua đề xuất “Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn du lịch trải nghiệm nông nghiệp”.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Lại Thị Loan giới thiệu về dự án tại hội thảo.

Dự hội thảo có đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP) - Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân huyện Lắk và xã Krông Nô, nơi được chọn triển khai dự án.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Lại Thị Loan cho biết: Hội Nông dân tỉnh đã nộp đề xuất ý tưởng “Thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn du lịch trải nghiệm nông nghiệp” tại Hợp tác xã sầu riêng Thông Phong, xã Krông Nô, huyện Lắk với Chương trình phát triển Liên hợp quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu đồng ý triển khai viết dự án.

Lý do mà Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk chọn Hợp tác xã sầu riêng Thông Phong, xã Krông Nô, huyện Lắk để triển khai dự án vì Krông Nô là một xã nghèo thuộc vùng sâu của huyện Lắk. Toàn xã có 2.349 hộ với 9.640 khẩu, trong đó có hơn 85% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân dân trong xã có tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún, còn nhiều hạn chế trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm làm ra phụ thuộc vào thương lái nên thu nhập thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã cuối năm 2022 chiếm 18,76%.

Bên cạnh đó, những năm gần đây thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị, năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, nhiều hộ dân ở xã Krông Nô đã đưa cây sầu riêng vào trồng và cây sầu riêng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, toàn xã đã trồng được khoảng 50 ha cây sầu riêng, năng suất bình quân khoảng 18 tấn/ha.

Vì vậy, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk chọn Hợp tác xã sầu riêng Thông Phong, xã Krông Nô, huyện Lắk triển khai thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn du lịch trải nghiệm nông nghiệp để phát triển thành viên hợp tác xã và tích tụ, tập trung diện tích sản xuất sầu riêng cũng như tập trung nguồn lực đầu tư, tạo ra vùng nguyên liệu lớn.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức của nông dân dân tộc thiểu số về liên kết phát triển kinh tế tập thể và ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Thí điểm ứng dụng công nghệ thông minh để theo dõi quy trình chăm sóc sầu riêng và tham gia sàn thương mại điện tử tại Đắk Lắk. Xây dựng thí điểm mô hình vườn mẫu sầu riêng kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp.

Dự án có tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí xin tài trợ từ Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (SGP)-Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) hơn 1,1 tỷ đồng, kinh phí đóng góp từ các nguồn khác hơn 1,3 tỷ đồng…

Tại hội thảo, ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, việc triển khai thí điểm sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ thông minh và kết hợp xây dựng mô hình vườn mẫu sầu riêng gắn du lịch trải nghiệm nông nghiệp là một ý tưởng hay và dự án thiết thực, hữu ích, hết sức cần thiết nhằm phát huy tối đa lợi thế và kích thích việc tiêu thụ sầu riêng của các thành viên Hợp tác xã sầu riêng Thông Phong nói riêng và nông dân sản xuất sầu riêng trên địa bàn xã Krông Nô nói chung, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.

Đồng thời xây dựng mô hình mẫu sản xuất sầu riêng thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh và tạo nên chuỗi giá trị sản xuất… để nhân dân học tập và nhân rộng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Công Lý

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 01/06/2023