Quảng Trị: Tái hiện không gian văn hóa truyền thống đặc sắc của người Vân Kiều

Cập nhật: 13/07/2023
Lễ hội mừng lúa mới là một nghi lễ quan trọng trong đời sống của đồng bào Vân Kiều sinh sống trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Bởi từ ngàn đời nay, cây lúa luôn gắn kết với mỗi cuộc đời người dân tộc Vân Kiều từ khi lọt lòng cho đến lúc trở về nằm yên phận trong những ngôi nhà mồ nơi khu “rừng ma” của bản. Chính vì thế, lễ hội cúng mừng lúa mới là dịp để người dân tộc Vân Kiều báo cáo và gửi sự cầu mong của mình với các đấng thần linh đã cho họ những vụ mùa bội thu để đời sống của bản làng được đủ đầy.

Thanh niên nam nữ dân tộc Vân Kiều trình diễn cảnh tuốt lúa trên nương trong lễ hội mừng lúa mới. Ảnh: Thành Phú

Độc đáo phần lễ

Do tác động nhiều mặt của xã hội, cùng với sự giao thoa văn hóa đa sắc, đa chủng loại và tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ nên bản sắc văn hóa lễ hội cúng lúa mới của người Vân Kiều đang dần bị mai một và đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Trước tình hình đó, UBND huyện Hướng Hóa đã đồng ý và giao Phòng Văn hóa-Thông tin huyện tổ chức tái hiện lễ hội mừng lúa mới để nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy cũng như nhân lên niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc cho cộng đồng đồng bào dân tộc Vân Kiều. Đồng thời, thông qua hoạt động này nhằm kết nối di sản văn hóa phi vật thể với các dân tộc khác nhằm tăng cường quảng bá, kết nối, phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Lễ cúng mừng lúa mới được người dân chuẩn bị rất chu đáo. Để có đầy đủ các lễ vật, các chàng trai Vân Kiều lên rừng, xuống suối tìm kiếm những sản vật mà thiên nhiên ban tặng như cua, cá suối, mật ong rừng..., còn các cô gái thì cùng nhau đi gùi củi, lấy nước, cắt lá dong, lấy rau củ. Khi lúa thu hoạch từ trên rẫy về sẽ được phơi khô, làm sạch và cho vào cối lớn bằng gỗ để giã. Với đôi bàn tay khéo léo, không kém phần mạnh khỏe, rắn chắc của các chị, các mẹ đã tạo ra thành phẩm là những mẻ gạo trắng trẻo, thơm nồng.

Sau khi các sản vật đã được chuẩn bị và đưa đến khu lễ hội là tới công đoạn các chàng trai, cô gái chia nhau các phần việc, làm các món ăn để bày trong mâm lễ cúng. Nam giới thì làm gian nước, gian củi, gian bếp, làm gà, làm heo, làm cá; nữ giới thì làm các loại gia vị, ngâm gạo, ngâm nếp để nấu cơm, nấu xôi, luộc sắn, luộc ngô, luộc khoai... Vì là một nghi lễ rất quan trọng nên tất cả đều được người dân cùng nhau chuẩn bị chu đáo và trang trọng.

Lễ vật dâng cúng bao gồm heo, gà, cua, cá, xôi, bánh nếp, bánh a quạt, măng rừng, cùng các loại nông sản khác... và có một số lễ vật không thể thiếu đó là khăn, áo, váy và những món đồ trang sức của người phụ nữ Vân Kiều. Với quan niệm thần lúa là nữ giới, nên trong lễ cúng mừng lúa mới, người Vân Kiều dâng kèm các trang phục truyền thống của nữ giới.

Khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, các lễ vật sẽ được đặt vào mâm và dâng lên nhà sàn chính để tiến hành lễ cúng. Lúc này, già làng, người lớn tuổi, có uy tín trong bản làng sẽ đại diện để thực hiện nghi lễ cúng bái và đọc lời khấn với hàm ý, hôm nay, ngày đẹp trời, bản làng xin phép làm lễ mừng lúa mới. Lễ cúng được dọn bày tươm tất, chủ lễ khấn mời các thần linh, thần lúa đến chứng giám và thụ hưởng những sản vật do dân làng làm ra đem dâng cúng.

Tiếp theo đó, thay mặt cho bà con dân bản, người chủ lễ khấn cầu xin thần lúa và các thần khác với nội dung “Cầu bông lúa con vừa bằng vòi hái/ bông lúa cái vừa bằng đuôi trâu....” và chủ lễ khấu đầu 4 vái để báo cáo sau khi kết thúc vụ mùa, đồng thời tạ ơn thần linh đã cho bản làng một năm mưa thuận, gió hòa.

Trong lễ hội mừng lúa mới của người dân tộc Vân Kiều thì rượu cần và việc uống rượu cần đóng một vai trò khá quan trọng. Để có được những hũ rượu cần đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đề ra thì người dân phải dùng những mẻ gạo ngon nhất để ủ và theo quan niệm của người dân Vân Kiều, rượu thành phẩm càng ngọt, càng thơm thì cuộc sống càng gặp nhiều may mắn. Khi uống rượu, mọi người phải uống cho đến khi rượu thật nhạt mới nghỉ, bởi nếu rượu chưa nhạt mà đem vứt đi thì mùa năm sau sẽ không được thuận lợi.

Gìn giữ lễ hội để kết hợp du lịch cộng đồng

Lễ hội mừng lúa mới của người Vân Kiều được xem là bức tranh đa sắc màu, hội tụ rất nhiều nét văn hóa đặc trưng. Lễ hội này có truyền thống từ lâu đời, gắn với bản sắc văn hóa phi vật thể, là sự phản ánh trong sâu thẳm tâm hồn của người Vân Kiều luôn mong ước về một vụ mùa bội thu. Lễ hội cũng là dịp kết nối tình cảm trong các gia đình, dòng họ và cộng đồng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Phùng chung vui cùng bà con dân bản tại lễ hội mừng lúa mới trên địa bàn. Ảnh: Thành Phú

Ông Hồ Văn Nòi, 50 tuổi, người có uy tín của thôn Chêng Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Lễ hội cúng mừng lúa mới của người Vân Kiều đã có từ lâu đời và luôn được người dân tổ chức trang trọng, thành kính để bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh và cầu xin thần linh ban cho vụ mùa năm sau được bội thu. Tuy nhiên, lớp trẻ sau này lớn lên, một phần do đi làm ăn xa, một phần họ tiếp cận, giao lưu với các nền văn hóa khác nên lễ hội này đang dần bị mai một. Năm nay, được huyện tổ chức lại lễ hội cúng lúa mới nên mọi người rất phấn khởi. Chúng tôi sẽ cố gắng lưu giữ lễ hội và kết hợp với du lịch cộng đồng để vừa lưu giữ nét văn hóa truyền thống, vừa góp phần phát triển kinh tế của địa phương”.

Sau khi phần lễ thực hiện xong thì phần hội sẽ được tiến hành ngay. Lúc này, già, trẻ, gái, trai trong bản cùng vui chung trong điệu cồng, chiêng và trong tiếng khèn, tiếng đàn cùng với các làn điệu dân ca Tà oải, Oát xa nớt được cất lên khi gương mặt của mọi người đã ửng hồng vì men hương rượu cần, họ hát để cầu chúc cho cuộc sống an bình, ấm êm.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết: “Lễ hội mừng lúa mới được coi là lễ hội đặc sắc nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất đối với cộng đồng người dân tộc Vân Kiều, vì thế, cần phải được gìn giữ và lưu truyền cho muôn đời sau để không ngừng nâng cao ý thức của cộng đồng về lòng tự hào, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, thông qua lễ hội nhằm gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương”.

Thành Phú

Nguồn: Báo Biên Phòng - baobienphong.vn - Đăng ngày 10/07/2023