Hãy giữ lấy những thảm cỏ biển

Cập nhật: 24/09/2009
Theo GS.Gary Kendrick, nhà sinh học biển thuộc Đại học Western, Australia, mỗi năm toàn cầu mất gần 30% diện tích cỏ biển, với khoảng 110 km2 và tỷ lệ này đang gia tăng, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Còn ở Việt Nam thì sao ?

Các thảm cỏ biển là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao, góp phần quan trọng trong việc cung cấp thức ăn và nguồn giống hải sản cho vùng biển, đặc biệt đối với rùa biển, thú biển và cá biển.

"Cứ 1m2 cỏ biển sản sinh ra 10 lít ôxy hòa tan/ngày cho nên đây là nơi thuận lợi cho sinh sản, ươm nuôi các giống hải sản và là những bãi hải sản quan trọng ven bờ ", PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định.

Nghiên cứu ở vùng biển Địa Trung Hải cho thấy, nếu bảo vệ tốt cỏ biển thì cứ 400m2 sẽ là nơi cung cấp khoảng 2.000 tấn hải sản/năm. Tổng số loài cư trú trong cỏ biển thường cao hơn vùng biển bên ngoài 2-8 lần. Cỏ biển còn là nguyên liệu sử dụng trong đời sống hàng ngày như vật liệu bao gói, thảm đệm, làm phân bón...

Hệ sinh thái cỏ biển là một trong những hệ sinh thái nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương khi môi trường sống thay đổi. Neo thuyền, khai hoang đất, nạo vét và đánh bắt cá, san lấp, xả thải bùn và các chất thải,... là những hành vi gây hại cho cỏ biển.

Các chuyên gia cho biết, nếu như trước 1995 diện tích các băi cỏ biển Việt Nam là 10.770 ha, đến năm 2003 chỉ còn hơn 4000 ha, nghĩa là mất đi 60%. Nhiều bãi cỏ biển ở Vịnh Hạ Long trước năm 1970 phát triển khá tốt với 5 loài cỏ biển, nhưng cho đến nay diện tích một số bãi cỏ đã bị suy giảm hoặc bị mất hoàn toàn. Trước khi xây cảng phục vụ du lịch ở Gia Luận (Cát Bà) có 4 loài cỏ biển (Halophila ovalis, H. beccarii, H. decipiens và Zostera japonica), sau khi xây dựng cảng, cỏ biển đã chết hoàn toàn. Cùng với sự suy thoái của các rạn san hô và rừng ngập mặn, sự suy giảm nghiêm trọng của thảm cỏ biển cảnh báo về nhiễu loạn nghiêm trọng chức năng sinh thái vùng bờ.

Khánh Hòa vốn có các thảm cỏ biển rất phong phú kể cả về phương diện loài (9 loài/15 loài của cả nước), mật độ cỏ khá dày và diện tích phân bố khá rộng. Trong những năm gần đây, cỏ biển bị giảm sút nghiêm trọng. Các bãi cỏ rộng hàng trăm hecta ở vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong với ưu thế của cỏ lá dừa đến nay đã bị thu hẹp chỉ còn 29-30%, có nơi chỉ còn 10%.

GS. Kendrick cho rằng, có thể so sánh tỷ lệ mất cỏ biển với việc mất rừng mưa nhiệt đới. Theo các nghiên cứu, cỏ biển có thể hấp thụ cácbon điôxit tương đương với các cánh rừng nhiệt đới và cũng là một phần quan trọng trong chuỗi thức ăn ở đại dương. Khoảng 75% diện tích cỏ biển làm thức ăn cho vi khuẩn, đó là một mắt xích trong chuỗi thức ăn ở đại dương, 25% khác là thức ăn trực tiếp của các loài động vật như cá nược, rùa xanh, cá, ốc sên và các loài giáp xác cũng như các loài chim như ngỗng và thiên nga. Thảm cỏ biển cũng có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của các loài cá sống trong các rạn san hô. Vì vậy, để giữ các hệ sinh thái san hô cũng rất cần giữ lấy hệ sinh thái cỏ biển ở các vùng nhiệt đới.      

Nguồn: Cổng TTĐT bộ KHMT