Phát triển du lịch cộng đồng tại Pù Luông

Cập nhật: 05/10/2009
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm trên địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 130km là nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi với những thửa ruộng bậc thang độc đáo, những thác nước uốn mình trên các triền đá, những ngôi nhà sàn truyền thống, những khu rừng bát ngát và những bản làng vẫn giữ được dáng vẻ nguyên sơ.

Thiên nhiên tại Pù Luông là sự kết hợp giữa hệ sinh thái núi đá vôi với hệ sinh thái núi đất và hệ sinh thái rừng độc đáo với nhiều loài động thực vật quý hiếm như voọc mông trắng, báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa và sơn dương. Sự đa dạng về hệ sinh thái kéo theo sự khác nhau về thảm thực vật và động vật. Nơi này cũng nổi tiếng với các loài bướm và phong lan.

Pù Luông là nơi sinh sống chủ yếu của cư dân thuộc hai dân tộc Thái và Mường với những tập quán sinh hoạt, truyền thống văn hóa đặc trưng, rất hấp dẫn du khách. Người dân ở đây đa số đều làm ruộng, làm nương rẫy và hầu hết đều sống phụ thuộc vào rừng. Họ có thói quen đốt nương làm rẫy nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới rừng đầu nguồn, đe doạ những thảm thực vật quý giá và phá hoại môi trường sống của chính họ. Diện tích rừng bị thu hẹp dần, môi trường thiên nhiên ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng, nạn săn bắt thú rừng xảy ra liên miên. Để bảo tồn, gìn giữ và phát triển khu rừng quý giá này, năm 1999 Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập.

Để đạt được hiệu quả cao trong công tác bảo tồn cần phải có sự tham gia của cộng đồng, công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ về mục đích của khu bảo tồn, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc bảo vệ và phát triển rừng được coi là một trong những biện pháp ưu tiên hàng đầu. Bước đầu Nhà nước và chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Mức sống của cộng đồng cư dân dần được nâng lên.   

Hiểu rõ những giá trị sinh cảnh độc đáo, với những giá trị văn hóa bản địa của hai cộng đồng người cư trú trong khu bảo tồn, chính quyền địa phương đã xúc tiến phát triển du lịch sinh thái nhằm nâng cao đời sống của cộng đồng cư dân sinh sống tại đây.

Được sự giúp đỡ từ dự án của Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI), Pù Luông đã tập trung cải tạo, xây dựng các khu vệ sinh ở các gia đình để có thể đón khách du lịch nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Dự án cũng đã soạn thảo cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch với ý tưởng cung cấp các dịch vụ làm thoả mãn khách du lịch trong đó có quảng bá cho lợi ích của hoạt động du lịch, phác thảo quy định áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh như nước uống, chuẩn bị đồ ăn, yêu cầu của khu vệ sinh, dịch vụ hỗ trợ mà người dân có thể phục vụ du khách... Tính đến nay Ban Quản lý khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông đã hỗ trợ 18 hộ gia đình tham gia làm du lịch sinh thái: Bản Han xã Phú Lệ, huyện Quan Hoá có 3 hộ; thôn Kho M­ờng xã Thành Sơn có 3 hộ; thôn Son, Bá, M­ời và thôn Hin, thôn Nủa thuộc xã Lũng Cao có 9 hộ; thôn Kịt, Cao Hoong, thôn Hiêu xã cổ Lũng có 3 hộ.

Với quyết tâm bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái tại Pù Luông, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định về việc quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông đến năm 2015. Theo quyết định này, khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông sẽ kêu gọi đầu tư khoảng 80 tỷ đồng để phát triển không gian, hạ tầng du lịch sinh thái gắn với văn hóa cộng đồng (gồm khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ sinh thái - văn hóa cộng đồng...). Các loại hình du lịch sẽ được đưa vào khai thác trong tương lai tại khu Bảo tồn thiên nhiên này là: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm… dành cho du khách thích khám phá, gần gũi với thiên nhiên. Đưa những sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng của các dân tộc trên địa bàn thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo... Từ đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái, Mường và tạo việc làm, nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào đang sinh sống trên địa bàn.

Lợi ích của việc phát triển du lịch cộng đồng tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông từ chỗ người dân địa phương không biết “du lịch” là gì, thì nay đã có thể tham gia hoạt động du lịch, cải tạo nhà ở để có thể đón tiếp khách nghỉ qua đêm, nấu các món ăn phục vụ khách du lịch, kỹ năng đón tiếp khách du lịch và đặc biệt là đã có thu nhập đáng kể từ các hoạt động dịch vụ du lịch mang lại. Đời sống của cộng đồng cư dân ngày được cải thiện và nâng cao, và ý nghĩa quan trọng hơn cả là chính người dân đã góp phần giữ gìn bảo vệ khu bảo tồn này theo hướng phát triển bền vững.

Pù Luông đang trở thành một điểm đến điển hình trong công tác bảo tồn thiên nhiên bền vững dựa vào cộng đồng và là điểm đến hấp dẫn cho du khách về du lịch sinh thái.  

 

Nguồn: Diệu Linh -VTC