Quảng Ngãi: Người đưa sản phẩm mo cau ra thế giới

Cập nhật: 22/05/2024
Mo cau trước đây chỉ là vật bỏ đi, nhưng được anh Nguyễn Văn Tuyến ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) làm thành nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, có giá trị kinh tế.

Quảng Ngãi là một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn của cả nước. Lâu nay, người trồng cau chỉ bán trái, giờ có thêm thu nhập từ việc bán mo cau. Ước tính 1 ha cau cho thu hoạch khoảng 12.500 chiếc mo cau/ năm. Nếu thu mua với giá 1.000 đồng, người dân thu thêm 12,5 triệu đồng một ha, cùng với bán quả

Đều đặn hơn một năm nay bà Nguyễn Thị Duyên ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đi nhặt mo cau trong vườn để bán. Bà Duyên cho hay, chưa khi nào bà nghĩ mo cau vườn nhà lại giúp bà có thêm nguồn thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. “Hồi trước bỏ chớ có làm gì đâu, cái mo cau là bỏ hẳn, còn bây giờ lượm vô chặt bán cũng có thu nhập” - bà Duyên nói. Còn bà Nguyễn Thị Vân, nhân viên thu mua mo cau thì vui vẻ cho hay: “Từ một nông dân, 4 năm nay tôi đã trở thành nhân viên thu mua nguyên liệu mo cau cho cơ sở chế biến mo cau của anh Nguyễn Văn Tuyến. Lúc đầu chỉ thu mua vào các ngày nghỉ cuối tuần, còn giờ nhu cầu mo cau sản xuất nhiều thì công việc càng bận rộn hơn và thu nhập cũng tăng theo”

Quê gốc Quảng Nam, lớn lên ở Phú Yên, hiện sống ở TP. Hồ Chí Minh, hơn 4 năm qua, anh Nguyễn Văn Tuyến đã chọn Quảng Ngãi để lập nghiệp với nghề làm các sản phẩm thân thiện môi trường từ mo cau như: chén, dĩa, tô, ly. Anh Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Mega Eco cho biết: “Lúc trước chỉ có hai điểm thu mua thôi, đến năm nay thì đã phát triển lên hơn 10 điểm rồi. Số người bán mo cau khoảng 400, 500 người. Mình tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập nho nhỏ cho người già lớn tuổi, những người không có khả năng lao động. Những đồng tiền họ kiếm được 40, 50 ngàn, rất có ý nghĩa, có giá trị với họ. Điều đó là động lực để mình tiếp tục hành trình sản xuất sản phẩm này, đồng hành cùng bà con và đưa sản phẩm này ra thế giới”

Ngoài tạo thu nhập thêm cho người trồng cau, cơ sở của anh Tuyến còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động ở địa phương. Mo cau sau khi được thu gom sẽ được rửa sạch sẽ, ngâm nước cho mềm và đưa vào khuôn ép nhiệt. Sau đó, tạo hình cho ra sản phẩm các loại chén, dĩa, ly, muỗng và nhiều đồ dùng thân thiện với môi trường.

Bình quân mỗi năm, cơ sở của anh Tuyến xuất bán khoảng hai triệu sản phẩm, chủ yếu là xuất khẩu sáng các nước Hà Lan, Canada, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ. Sự phản hồi của khách hàng đối với sản phẩm khá là tốt, tạo cho mình tự tin để mà tiếp tục làm ra nhiều sản phẩm hơn và thu mua nguyên liệu cho bà con. Theo anh Tuyến, chén, đĩa mo cau rất đẹp, độc đáo, giả cả lại rẻ và bảo vệ môi trường nên thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Do đó lượng hàng xuất khẩu chiếm đến 90%, giúp cơ sở sản xuất có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Sản phẩm này có thể làm theo kiểu dáng, in các hình ảnh theo yêu cầu của khách hàng. Mặt khác, sản phẩm từ mo cau đều được gửi mẫu kiểm nghiệm đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

Như Đồng

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 20/5/2024