Hấp dẫn du lịch cộng đồng tại Việt Nam

Cập nhật: 03/11/2009
Ở Việt Nam có nhiều loại hình du lịch cộng đồng như đi tham quan các làng nghề cổ, hòa mình cùng núi rừng thiên nhiên, du lịch nông nghiệp, du lịch khám phá nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc... Trong đó, được hưởng ứng và tham gia nhiều nhất vẫn là loại hình du lịch Homestay - hình thức khách du lịch đến ở một nhà dân tại địa phương,

được ăn, nghỉ và tham gia các công việc trong gia đình cũng như các lễ hội của địa phương.

Du lịch - công cụ giảm nghèo hữu hiệu

Cách Hà Nội 130km, thung lũng du lịch Mai Châu, Hòa Bình là điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Người Thái trắng ở Mai Châu làm du lịch trong chính nhà sàn của họ, đặc biệt là ở bản Pom Coọng và bản Lác.

Nhờ phát triển du lịch, đời sống của bà con các dân tộc ở Hòa Bình đã được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi đáng kể.

Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã dệt khăn quàng cổ, váy xòe Thái, vải treo tường có trang trí, dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn; đàn ông thì chế tác cung, nỏ, mõ trâu... để làm quà lưu niệm bán cho khách du lịch. Bây giờ, bản Lác có đường nhựa trải từ đầu bản đến tận sân từng nếp nhà sàn mộc mạc bằng gỗ.

Du lịch gần như là nguồn thu chính của bà con nơi đây. Tính riêng từ đầu năm đến nay, ngành du lịch huyện Mai Châu đã thu hút được gần 14.000 lượt du khách, thu gần 6 tỷ đồng từ du lịch. Huyện Sa Pa (Lào Cai) cũng là một trong những địa phương phát triển mạnh du lịch cộng đồng với các điểm du lịch bản làng được du khách tham quan nhiều như bản Cát Cát, Sín Chải, Lao Chải, Tả Van… Riêng năm 2008, đã có gần 80.000 lượt khách đến các bản làng này.

Sự phát triển của du lịch cộng đồng ở Sa Pa đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc các làng bản. Điển hình như bản Sín Chải, năm 2000 có tới 68% số hộ đói nghèo, đến nay chỉ còn 26%. Các bản khác tỷ lệ đói nghèo cũng giảm khá nhanh nhờ phát triển du lịch.

Số người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch khá cao. Bản Cát Cát có 360 người Mông thì có tới 120 người tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch như bán hàng rong, chở xe ôm, bán thổ cẩm, hướng dẫn khách du lịch, biểu diễn văn nghệ…

Những gia đình tham gia hoạt động dịch vụ du lịch có mức thu nhập cao hơn từ 2-2,5 lần gia đình thuần nông... Không chỉ ở Hòa Bình, Lào Cai, mà ở nhiều địa phương khác trong cả nước, loại hình du lịch gắn liền với đời sống của đồng bào cũng đã phát triển. Ở Hội An, khách du lịch có thể tham gia đánh cá cùng ngư dân; ở đồng bằng sông Cửu Long, du khách có thể trở thành những nông dân miệt vườn…

Gìn giữ vẻ đẹp văn hóa truyền thống

Việc phát triển du lịch cộng đồng rất phù hợp với đặc thù văn hóa của Việt Nam, tuy nhiên trải qua hơn mười năm phát triển, giữa cái được và cái mất còn nhiều vấn đề phải bàn đến. Bên cạnh những lợi ích về phát triển kinh tế, thì sự xâm lấn văn hóa đã phần nào làm mất dần bản sắc văn hóa dân tộc, giảm sức hấp dẫn đối với du khách.

Trước đây, du lịch bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) là một trong những điểm hấp dẫn theo đúng nghĩa Homestay, khách du lịch đến đây để khám phá cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của bà con nơi đây. Nhưng gần đây, việc thu hút được nhiều khách du lịch cả trong nước và nước ngoài đã khiến cho Mai Châu đã không còn là địa điểm du lịch theo đúng nghĩa Homestay. Cũng ở nhà sàn, ăn cơm nương, thịt trâu gác bếp, nhưng tất cả đều là sản phẩm du lịch, bất cứ việc gì du khách muốn đều phải đóng tiền.

Anh Minh Đức - một du khách phàn nàn: “Bây giờ, ở bản Lác, muốn đốt lửa trại, muốn nghe thổi khèn, xem múa sạp… một việc dù rất nhỏ cũng phải đóng tiền. Các cô gái dân tộc trong bản Lác cũng không còn giữ được nhiều nét văn hóa dân tộc như xưa… Mình không có cảm giác được tự mình khám phá cuộc sống sinh hoạt của đồng bào như trước nữa…”

Du lịch làm cho Sa Pa trở nên giàu có, các cô gái Mông, Dao đang làm quen dần với kỹ năng sống của người Kinh hiện đại, những chàng thanh niên phì phèo điếu thuốc đi chơi chợ... Không ít du khách phàn nàn, chợ tình Sa Pa bây giờ không còn là chợ tình đúng nghĩa, mà hầu hết là do các “diễn viên” đảm nhiệm. Người dân ở đây nhanh chóng thích nghi với “cơ chế” nên việc gì cũng phải có tiền.

Anh Glen - khách du lịch người Australia phàn nàn: “Lên Sa Pa hỏi về chợ tình cũng bị người dân đòi “đôla”, muốn chụp đồng bào dân tộc một kiểu ảnh, cũng bị đòi “đôla”, rồi có rất nhiều người đi theo mời mua hàng… Những cái đó làm mình thấy không vui.”

Rõ ràng, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam là hướng đi đúng. Song, cũng cần có những biện pháp bảo vệ, tránh làm mai một làm mất đi vẻ đẹp, nếp sống văn hóa truyền thống.

Nguồn: Tin Tức/Vietnam+