Thêm một Dự án ''bức tử'' Đầm Vạc-Vĩnh Phúc

Cập nhật: 03/11/2010
Đầm Vạc xưa nay vẫn được coi là một biểu tượng của thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), vừa là cảnh quan sinh thái, cải tạo môi trường, vừa điều tiết nước cho cả một vùng. Trong 10 năm qua, để làm các khu dịch vụ thương mại, sân gôn, Đầm Vạc nhanh chóng bị thu hẹp có nguy cơ gây ngập úng cho cả khu vực Bắc Vĩnh Yên, môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tuy vậy, ngày 22-4-2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại ra Quyết định 1012/QĐ-UBND, do ông Trần Ngọc Tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký về việc phê duyệt địa điểm ranh giới quy hoạch mở rộng Dự án Khu dịch vụ du lịch Sông Hồng Bắc Đầm Vạc tại phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên, do Công ty cổ phần Thương mại (CPTM) Sông Hồng Thủ Đô làm chủ đầu tư. Theo đó, diện tích đất thu hồi cho Dự án này lên tới hơn 100.000 m2, trong đó có 62.682m2 đất nông nghiệp, 36.807m2 đất phi nông nghiệp và 5857m2 được cho là đất hoang chưa sử dụng. Số tiền đền bù cho Dự án này theo thông tin ban đầu do Công ty CPTM Sông Hồng bỏ ra gần 20 tỷ đồng.    

Qua tìm hiểu thực tế, trừ một số ít diện tích giáp khu dân cư Đông Hợp, phường Đồng Tâm, gần như toàn bộ diện tích đất thu hồi phục vụ mở rộng dự án Khu dịch vụ du lịch Sông Hồng Bắc Đầm Vạc đều là diện tích thuộc Đầm Vạc. Điều đáng chú ý là trong danh sách quy chủ để tính diện tích đất nhận đền bù, thì UBND phường Đồng Tâm quy chủ tính diện tích lên tới 30.000m2. Ngoài ra còn hàng chục chủ hộ có tên trong danh sách nhưng không hề có hộ khẩu thường trú tại phường Đồng Tâm, không hề có đất canh tác nhưng vẫn được quy chủ tính diện tích tổng cộng hơn 25.000m2 để nhận tiền đền bù.      

Vào thời điểm này, số diện tích trên vẫn nằm im lìm dưới bèo mặt nước Đầm Vạc, ngay sát cửa ngõ của Công ty CPTM Sông Hồng Thủ Đô. Sau khi được san lấp mặt bằng, trên 100.000m2 mặt nước sẽ là những nền biệt thự có mặt trước là đường giao thông, mặt sau là mặt nước Đầm Vạc, chắc chắn sẽ đem lại cho nhà đầu tư là Công ty CPTM Sông Hồng Thủ Đô một khoản siêu lợi nhuận. Hiện nay, Công ty này đang là chủ đầu tư xây dựng Khu đô thị sinh thái Nam Đầm Vạc với diện tích 39,5ha, nằm trong tổng thể Khu Du lịch sinh thái Đầm Vạc (473,5ha), tại vị trí trung tâm của TP. Vĩnh Yên ( Vĩnh Phúc). Với trên 100.000 m2 đất vừa được UBND Vĩnh Phúc quyết định phê duyệt, chỉ tạm tính 300 nền biệt thự thì doanh nghiệp này cũng đã thu về cả 1.000 tỷ đồng. Trong khi Công ty này đã và đang sở hữu quá nhiều diện tích vẫn chưa được khai thác hết.

Mặt khác, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần xem xét lại việc đem lại lợi ích cho một doanh nghiệp, nhưng lại làm cho hàng vạn người dân của TP. Vĩnh Yên phải đối mặt với nạn úng ngập, ô nhiễm vì không có lối thoát nước khi mùa mưa đến, nếu như mở rộng Dự án Khu dịch vụ du lịch Sông Hồng Bắc Đầm Vạc. Đồng thời, tỉnh cũng cần làm rõ việc một số người không hề có hộ khẩu thường trú tại phường Đồng Tâm, không hề có đất canh tác nhưng vẫn được quy chủ tính diện tích đất đền bù.    

Trước kia, Đầm Vạc là phần phình to của ngòi Vĩnh Yên (còn gọi là sông Cánh), từng được người dân Vĩnh Yên ví như nơi hội tụ của cái đẹp và thơ mộng. Đây là một đầm thiên nhiên có từ lâu đời, vị trí chủ yếu nằm tại địa phận thành phố Vĩnh Yên. Đầm có mặt nước lúc dâng cao nhất gần 500 ha (khi chưa bị xâm lấn), chu vi xấp xỉ 14 km, đáy sâu nhất là 4,5 m và có 23 nhánh chạy lan tỏa ra nhiều phố, phường trong thành phố. Mặt đầm rộng mênh mông và nước luôn trong xanh, có rất nhiều loài chim, vạc, bồ nông, cò, vịt trời... tìm về kiếm thức ăn và trú ngụ.

Đặc biệt, Đầm Vạc có vai trò điều tiết khu vực tiểu khí hậu, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng cho các hộ dân đô thị Vĩnh Yên và vùng lân cận. Đầm còn cung cấp nguồn thực phẩm đáng kể, là nơi kiếm sống của hàng trăm hộ dân sống bằng nghề chài lưới. Song với Quyết định 1012 quy hoạch mở rộng Dự án Khu dịch vụ du lịch Sông Hồng Bắc Đầm Vạc, trong một ngày không xa, Đầm Vạc chỉ còn như một chiếc ao tù mà thôi.                                                                  

Nguồn: www.monre.gov.vn