Kinh nghiệm cấp nhãn sinh thái của châu Âu (Kỳ 1)

Cập nhật: 19/07/2012
Người tiêu dùng châu Âu ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn cho các kỳ nghỉ “xanh”. Đáp ứng nhu cầu này ngày càng được xem như chìa khóa thành công của các công ty du lịch. Nghiên cứu của Liên minh châu Âu năm 2005 cho thấy 51% khách du lịch lựa chọn các khu du lịch nghỉ dưỡng và cơ sở lưu trú du lịch thân thiện môi trường, trong khi 82% thích môi trường còn nguyên vẹn. Một tiêu chí quan trọng cho hầu hết khách muốn đi nghỉ, du lịch là vệ sinh sạch sẽ và an toàn ở cơ sở lưu trú và môi trường xung quanh.

Thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường ở bên trong và xung quanh cơ sở lưu trú du lịch sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định của doanh nghiệp.

Để xác định sản phẩm hàng hoá, dịch vụ thân thiện với môi trường, tại châu Âu đã xuất hiện và áp dụng nhiều loại nhãn hiệu chứng nhận như Nhãn sinh thái/nhãn xanh hay nhãn du lịch bền vững. Mỗi loại nhãn hiệu đều có những tiêu chí, mục đích và cách đánh giá xếp hạng riêng. Tại cuộc điều tra phỏng vấn trực tiếp về sự hiểu biết của người tiêu dùng trong độ tuổi từ 16 - 74 về nhãn sinh thái được thực hiện vào năm 1995, 95% số người được hỏi đều biết về nhãn sinh thái, 68% trả lời lựa chọn mua sản phẩm thân thiện với môi trường trong số 81% người trả lời sẵn lòng chi trả để mua sản phẩm thân thiện với môi trường.

Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu về một số Nhãn sinh thái đã áp dụng tại Châu Âu, là căn cứ tham khảo để xây dựng bộ tiêu chí Nhãn du lịch bền vững cho cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam.

1  Chương trình của Liên minh châu Âu (EU)
Tháng 12/1991, Hội đồng Bộ trưởng môi trường của  EU đã thông qua Chương trình cấp nhãn sinh thái  EU (gọi tắt là Chương trình) theo Quyết định số 880/92 ngày 23/3/1992, hiệu lực vào tháng 10/1992, để thúc đẩy  thiết kế, sản xuất, bán và sử dụng sản phẩm/dịch vụ xanh, giảm nhẹ tác động đến môi trường  trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm (từ lúc sử dụng nguyên, nhiên liệu sản xuất đến lúc loại bỏ sản phẩm), cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về  sản phẩm xanh. Chương trình gồm 18 nước trong đó 15 nước là thành viên của EU và 3 nước Na-uy, Ai-xơ-len, Liechtenstein.
Nhãn sinh thái EU Ecolabel/Hoa môi trường (biểu tượng bông hoa) là nhãn hiệu sinh thái của Châu Âu, cấp cho hàng hoá/dịch vụ, không gồm thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, là dấu hiệu nhận biết sản phẩm dịch vụ có tác động đến môi trường  giảm hơn sản phẩm cùng loại, đáp ứng tập hợp các tiêu chí môi trường công bố bởi các quốc gia thành viên EU.

 Hình 1. Biểu tượng Hoa môi trường EU

Chương trình được sửa đổi 3 lần vào các năm 1996, 2000, 2005, từ hàng hoá đã mở rộng đến dịch vụ, cho phép cấp nhãn cho đại lý, đưa ra cách tính lệ phí mới với sự miễn giảm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng tính minh bạch và sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng tiêu chí kỹ thuật. Đây là một phần trong chiến lược “thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững”, là công cụ tự nguyện dựa trên nguyên tắc thị trường.
Nhãn sinh thái EU là biểu tượng duy nhất của chất lượng môi trường được chứng nhận bởi một tổ chức độc lập và có hiệu lực ở khắp Châu Âu, giúp làm hài lòng sự kỳ vọng của khách.
Nhãn sinh thái EU nâng cao các yêu cầu về môi trường và nhận thức của các cá nhân sử dụng hàng hoá dịch vụ, sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ thân thiện với môi trường. 

  

Sơ đồ 1: Cơ cấu tổ chức của Hội đồng Nhãn sinh thái của EU

EUEB được EC thành lập theo Quyết định 1980/2000 gồm các Cơ quan có thẩm quyền và các thành viên của Diễn đàn tư vấn. EUEB chịu trách nhiệm khảo sát, lập tiêu chí và các yêu cầu đánh giá, chứng nhận và các hoạt động khác.
Uỷ ban Châu Âu có quyền quyết định cao nhất, có vai trò quản lý chương trình, hoạt động trong Ban thư ký của EUEB.
Cơ quan có thẩm quyền đại diện của quốc gia thành viên trong EU. Hiện nay, có 17 quốc gia có cơ quan thẩm quyền, 8 trong số đó có chương trình nhãn sinh thái của nước mình, các quốc gia khác phụ thuộc vào nhãn sinh thái EU.
Mỗi quốc gia thành viên chỉ định ít nhất một Cơ quan có thẩm quyền, theo nguyên tắc là cơ quan độc lập, trung lập chịu trách nhiệm thực hiện chương trình ở cấp quốc gia, gồm soạn thảo tiêu chí, nhận và đánh giá đơn xin cấp nhãn, cấp nhãn, ký hợp đồng, quyết định mức phí, đóng vai trò trung tâm trong hoạt động của chương trình và là đầu mối liên lạc giải quyết mọi thắc mắc. Các cơ quan này phải đảm bảo sự minh bạch, thực hiện đúng theo các quy định của chương trình.
Diễn đàn tư vấn EC đảm bảo trong quản lý, EUEB tham gia cân bằng trong mỗi nhóm sản phẩm của các bên quan tâm như các đại diện người tiêu dùng và NGOs môi trường, liên minh thương mại, công nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các bên gặp nhau tại Diễn đàn tư vấn để soạn thảo tiêu chí nhãn sinh thái.
(a)Lựa chọn sản phẩm Nhóm sản phẩm phải đủ các điều kiện:
- Có số lượng lớn sản phẩm được bán trên thị trường trong khu vực;
- Có ít nhất một giai đoạn trong vòng đời sản phẩm tác động đến môi trường;
- Có tiềm năng cải thiện môi trường, khuyến khích nhà sản xuất/cung cấp dịch vụ thấy lợi thế cạnh tranh khi nảy sinh nhu cầu sản phẩm có nhãn sinh thái;
Nhóm sản phẩm được lựa chọn để cấp Nhãn Hoa môi trường EU:
1 Máy giặt, máy rửa bát, tủ lạnh, đèn ống và máy hút bụi;
2 Vô tuyến, máy tính cá nhân, máy tính xách tay;
3 Giấy lụa, giấy in và đồ hoạ;
4 Sản phẩm dệt, đệm, các loại giày, dép bằng vải;
5 Chất tẩy, bột giặt, các thiết bị vệ sinh, nước rửa bát bằng tay;
6 Thảm, sơn và vécni;
7 Chất cải thiện đất, phương tiện truyền thông;
8 CSLTDL và nhà nghỉ.
(b)Thiết lập tiêu chí: Thủ tục cho một nhóm sản phẩm mới gồm 5 giai đoạn:
1: Khi một loại sản phẩm mới được xác định, Uỷ ban uỷ nhiệm cho EUEB thiết lập tiêu chí cụ thể. AHWG (Ad-hoc Working Group: Nhóm công tác theo vụ việc) gồm các bên có liên quan (các đại lý, ngành công nghiệp và tiêu dùng) và Cơ quan có thẩm quyền được thành lập trong EUEB, trong đó chỉ định một Cơ quan có thẩm quyền đứng đầu quản lý toàn bộ quá trình.
2: AHWG khởi thảo tiêu chí từ kết quả chuẩn bị: Nghiên cứu khả thi về thị trường (xem xét bản chất thị trường), vòng đời sản phẩm, phân tích cải thiện môi trường, thuận lợi của sản phẩm được dán nhãn, thảo luận xem tiêu chí có phù hợp với tiêu chí khởi thảo nhằm nâng cao tính khả thi
Tác động đến môi trường trong vòng đời sản phẩm đánh giá ở các khía cạnh: sử dụng tài nguyên-năng lượng, thải vào không khí/nước/đất,phương thức sản xuất, loại chất thải, tái sử dụng/tái chế, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
3:Thông báo tới Uỷ ban tiêu chí khởi thảo, quyết định có tiếp tục không.
4: Tiêu chí khởi thảo cuối cùng gửi tới Uỷ ban lập pháp gồm các chuyên gia từ các quốc gia thành viên để thông qua.
5:Uỷ ban quyết định Phê chuẩn Tiêu chí, công bố trong tạp chí chính thức.
Cuối mỗi giai đoạn, Nhóm AHWG hội thảo tổng kết và cung cấp thông tin.
(c) Tính công khai - tư vấn
Các quyết định của EC về tiêu chí, danh sách đơn vị được cấp nhãn, giấy chứng nhận, tên, địa chỉ của cơ quan chuyên môn công bố tại trụ sở EU.
Cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo cho đơn vị nộp đơn những kết quả kiểm tra nào phải được cung cấp và bao nhiêu cuộc kiểm tra sẽ thực hiện.
Trước khi đưa ra quyết định liên quan đến hoạt động của chương trình: chọn sản phẩm, thiết lập tiêu chí, mức phí… Hội đồng tư vấn được thành lập với nhiệm vụ lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các bên liên quan. Hội đồng tư vấn tổ chức hội thảo với các thành viên của Hội đồng và các nhóm chuyên gia, từ đó tham khảo ý kiến đóng góp, chắt lọc lại theo một thủ tục chặt chẽ. Sau khi thống nhất được tất cả các ý kiến, sẽ gửi báo cáo  đến Hội đồng và cơ quan chuyên môn. Kết quả cuối cùng được thông tin từ thành viên Hội đồng.
(d)Việc đăng ký,  chứng nhận: Thủ tục để được cấp nhãn sinh thái:
- Liên lạc với Cơ quan có thẩm quyền quốc gia nhận bộ hồ sơ yêu cầu.
- Điền các thông tin cần thiết vào hồ sơ và các kết quả kiểm tra.
- Cơ quan có thẩm quyền quốc gia đánh giá dựa trên tiêu chí sinh thái, các yêu cầu đánh giá và chứng nhận, tổ chức kiểm tra các phương tiện sản xuất của người nộp đơn có phù hợp với tiêu chí, từ đó quyết định cấp hoặc không cấp nhãn hiệu. Thời gian thẩm định 2 tháng kể từ ngày nộp đơn, thẩm định lại sau 3 năm.
- Cơ quan có thẩm quyền quốc gia cấp chứng nhận Nhãn sinh thái EU cho cơ sở đạt yêu cầu sau khi cơ sở nộp đầy đủ các khoản phí.
- Đăng tải Thông tin trên trang tin www.ecolabel.euwww.ecolabels.fr
Mức phí phải nộp gồm 2 phần: phí nộp đơn và phí sử dụng hàng năm (phí này không bao gồm phí kiểm tra, chứng minh sự phù hợp).
Cơ quan có thẩm quyền lập mức phí trong nước mình, phải đảm bảo thuộc phạm vi quy định. Mức phí nộp đơn từ 300-1.200 euro, không  hoàn lại khi việc nộp đơn đã thực hiện, không áp dụng khi gia hạn hoặc khi sản phẩm đổi hay có sản phẩm mới thêm vào hợp đồng. Phí hàng năm từ 500-1500 euro, chưa tính miễn giảm. Mức phí hàng năm là 0.45% tổng doanh thu hàng năm (sau khi trừ VAT).
- Phí ban đầu : Doanh nghiệp vừa và nhỏ : 600E, doanh nghiệp nhỏ : 200 E; doanh nghiệp khác 1200 E.
- Phí hàng năm : Doanh nghiệp vừa và nhỏ dưới 100 phòng : 500E, trên 100 phòng 750E; Doanh nghiệp nhỏ : dưới 6 phòng : 100e, tiêu chuẩn : 200E; các doanh nghiệp khác 1500 E. Nhà nghỉ : dưới 30 phòng : 600E, 30-100 phòng 800E, 100-200 phòng : 1200 E, trên 200 phòng : 1500 E
Chương trình quy định cụ thể với từng trường hợp được miễn giảm, áp dụng với doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc đến từ các nước đang phát triển.
Bộ tiêu chí Hoa môi trường châu Âu đối  với cơ sở lưu trú du lịch :
Nhãn sinh thái châu Âu (Ecolabel) cho CSLTDL sử dụng biểu tượng Hoa môi trường (sau đây gọi là Nhãn Hoa môi trường): đã được Uỷ ban châu Âu thông qua theo quyết định 2003/287/CE ngày 09/7/2009, áp dụng từ 30/7/2009 có hiệu lực đến 9/7/2014 với các mục tiêu: Hạn chế và giảm tiêu thụ năng lượng, nước, giảm rác thải và chất thải, khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế/tái và các chất liệu ít gây hại tới môi trường, khuyến khích tham gia của cộng đồng, nâng cao nhận thức về môi trường.
Nhãn sinh thái Hoa môi trường EU được công nhận bởi phần lớn khách du lịch Châu Âu và thể hiện khách sạn đang nỗ lực giảm tác động tới môi trường trong các hoạt động vận hành và kinh doanh. Vì vậy, nhãn này giúp các khách sạn truyền bá thống điệp tới thị trường về những nỗ lực bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu hưởng một kỳ nghỉ vui vẻ, thư giãn và an toàn của du khách.
Nhãn sinh thái EU được áp dụng cho các cơ sở lưu trú qua đêm ở trong các phòng được trang bị thích hợp, bao gồm ít nhất 1 giường ngủ, cung cấp cho khách du lịch, lữ khách và khách ở trọ. Thời hạn cấp Nhãn  4 năm, kết thúc tháng 7/2013. Dự kiến cuối năm 2012 sẽ thực hiện chính sửa bộ tiêu chí Nhãn Hoa môi trường.
Nhãn chỉ có 1 cấp độ. Đơn vị muốn được cấp Nhãn phải đạt 29 tiêu chí bắt buộc, tối thiểu 20/116 điểm của 61 tiêu chí chấm điểm, trong 6 nhóm sau: 

 

Bảng 1: Nhóm Tiêu chuẩn chí cấp nhãn sinh thái EU - Hoa môi trường

Số điểm thưởng cho các dịch vụ  xanh là 3 – 5 điểm. Điểm tối đa 29 hoặc 31.

 Bảng 2: Tiêu chuẩn Nhãn Hoa môi trường châu Âu 

 

 Đến nay,  số đơn vị đã được cấp Nhãn Hoa môi trường là 100 cơ sở lưu trú ở Pháp và 420 cơ sở ở châu Âu.
2. Các chương trình nhãn sinh thái cho cơ sở lưu trú du lịch khác:
 (a). Eco3 của Pháp: Pháp có nhiều nhãn sinh thái khác nhau cấp cho các công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn. Việc tham gia là tự nguyện, tuỳ điều kiện tài chính, sự phù hợp các tiêu chuẩn của mỗi đơn vị.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp (CCI) có sáng kiến Eco3 với ý nghĩa 3e: kinh tế, tiết kiệm (economy), ecolabel (nhãn bền vững) và sinh thái (ecology).

 

04 loại nhãn sinh thái cấp cho cơ sở lưu trú du lịch như Ecolabel (của EU), EarthCheck , Chìa khoá xanh (Clef Vert), Hôtel Au Naturel… được lồng ghép trong một chương trình cấp nhãn sinh thái bảo vệ môi trường chung gọi là Eco3, được tài trợ 80% từ các tổ chức : Ademe (Cơ quan năng lượng Pháp), mạng lưới CCI,  Vùng Alpe và Azur - miền Nam Pháp (PACA).

D’Economies + d’écolabels  + d’écology

 Cách thức triển khai :
 - Tổ chức một ngày đào tạo, giới thiệu về các công cụ bảo vệ môi trường, giới thiệu các loại nhãn sinh thái hiện có.
 - Các đơn vị (không kể nhà nước hay tư nhân) liên hệ với Eco 3 để được cấp tài liệu, tự đánh giá phân tích, điền vào bảng và gửi hồ sơ, kết quả tự đánh giá đến website: www.itineraire-eco3.com. Bộ phận chuyên môn sẽ kiểm tra và tư vấn từ xa cho người chủ khách sạn chọn loại nhãn nào tốt nhất cho mình.
Sau khi xem xét bảng tự đánh giá, có 2 nhóm độc lập kiểm tra xem đơn vị có đạt tiêu chuẩn không. Chi phí đăng ký nhãn hiệu từ 500-800 Euro trong 2 năm.
Tại trung tâm có bảng theo dõi sự tiến bộ về bảo vệ môi trường của đơn vị. Eco3 xuất phát từ Region PACA-miền nam nước Pháp, sau phát triển trong phạm vi cả nước Pháp và lan sang các nước khác. Từ tháng 10/2010 PACA đã triển khai 7 chương trình đào tạo, có 65 khách sạn tham gia, đến tháng 5/2011 được cấp nhãn. Mục tiêu sắp tới : có 100 doanh nghiệp vùng quốc gia và quốc tế tham gia.
Chương trình Eco 3 có mặt lợi lớn nhất là không chỉ hoạt động một mình, liên kết được các loại nhãn sinh thái có uy tín hiện hành, được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiết kiệm chi phí.
(b) Earth Check : trước đây có tên là Quả cầu Xanh (Green Globe), xuất xứ từ Australia sau lan ra toàn cầu, có 3 loại đồng, bạc, vàng. Đơn vị được cấp nhãn phải kiểm tra để cấp lại hàng năm. Tập đoàn Accord, thương hiệu Sofitel lựa chọn nhãn này do các tiêu chí của nó được Sofitel đánh giá là thực hiện nghiêm túc, giá trị và hiệu quả nhất.

Du lịch luôn đòi hỏi một môi trường không ô nhiễm hư hại để vận hành và phục vụ du khách. Ngành du lịch tăng trưởng liên tục đã đóng góp 5% GDP của Liên minh Châu Âu, đem lại lợi ích, thu nhập cho hơn nửa triệu cơ sở lưu trú du lịch. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các cơ sở này, thường được xây dựng ở các vị trí thuận tiện nhưng dễ bị tổn hại, đã tạo áp lực lên tài nguyên nước, năng lượng và đe dọa hệ sinh thái ở địa phương do việc quản lý chất thải không thích hợp. Cơ sở lưu trú du lịch dù ứng dụng loại Nhãn nào cũng thể hiện nhận thức và có những nỗ lực  đối với công tác bảo vệ môi trường của đơn vị.
Việc áp dụng Nhãn sinh thái hay Nhãn du lịch bền vững đã được thực hiện rộng rãi tại châu Âu. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh sẽ được triển khai áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, thể hiện được quyết tâm phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam nói chung và khối cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam nói riêng.

Th.s Nguyễn Thanh Bình - (Hết Kỳ 1)

Các bài khác :

Kỳ 2

Kỳ 3

Kỳ 4 - Hết

Nguồn: Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch