Chuyển đến nội dung
Thứ 5, ngày 08/05/2025
|
English
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • /
  • Tin nổi bật
  • /
  • Văn hoá, di sản
  • /
  • Du khách vui Xuân tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Du khách vui Xuân tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Cập nhật: 01/02/2025

Mỗi dịp Tết đến, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam lại rực rỡ sắc màu của Lễ hội, tái hiện sinh động phong tục đón Tết của các dân tộc đang sinh sống và làm việc tại đây, tạo nên bức tranh mùa Xuân đầy sức sống, thu hút du khách gần xa tới vui Xuân, trẩy hội.

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Tây, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (TX Sơn Tây, Hà Nội) không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là nơi gìn giữ, tôn vinh và tái hiện sinh động bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em. Mỗi du khách khi đặt chân đến đây đều có những cảm nhận khác nhau, từ ngạc nhiên, thích thú đến niềm tự hào về sự đa dạng văn hóa của dân tộc.

Hòa mình trong không khí vui Xuân đón Tết rộn ràng

Cứ đến cuối tuần, ông Nguyễn Đình Thành và vợ là bà Đặng Thị Linh (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) lại bắt chuyến xe buýt số 107 từ Kim Mã đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Với họ, Làng không chỉ là điểm đến lý tưởng để tận hưởng không khí trong lành mà còn là nơi để họ có thể tìm hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em.

Chứng kiến cảnh dựng cây nêu, gói bánh chưng, bánh tét và các nghi thức tái hiện các nghi lễ cúng tổ tiên, ông Thành không giấu được sự thích thú: "Tôi thực sự bất ngờ khi thấy không khí Tết tại đây được tái hiện chân thực đến vậy. Tất cả khiến tôi cảm nhận được không khí của ngày Tết cổ truyền”.

Ông Nguyễn Đình Thành và bà Đặng Thị Linh (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) (ngồi sau) di chuyển bằng xe điện tại các điểm tham quan ở Làng văn hóa. 

Trong không khí rộn ràng của những ngày cận Tết, người Thái nhộn nhịp với những điệu múa xòe bên chum rượu cần, người Mông tưng bừng ném pao, thổi khèn, còn đồng bào Tày, Nùng lại tổ chức hát Then cầu may. Không gian nơi đây như một bản giao hưởng đa sắc màu, quy tụ tinh hoa văn hóa từ Bắc tới Nam.

Không chỉ là người quan sát, du khách còn có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động đón Tết cùng đồng bào các dân tộc. Nhiều người thích thú khi lần đầu tiên tự tay gói bánh chưng của người Kinh, bánh cẩm của người Thái hay thử làm bánh ống của đồng bào Khmer.

Từ miền Nam ra Bắc du xuân, vợ chồng ông Phạm Trung Mạo và bà Vũ Thị Nhâm (TP Hồ Chí Minh) không giấu được sự hào hứng khi tham quan Làng và thưởng thức ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây. 

"Tôi đã từng đón Tết ở nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ được trải nghiệm một không gian văn hóa đa dạng đến vậy. Việc trực tiếp tham gia các hoạt động giúp tôi hiểu sâu hơn về phong tục của các dân tộc", ông Mạo chia sẻ.

Ông Phạm Trung Mạo và bà Vũ Thị Nhâm (TP Hồ Chí Minh) (ngồi bên trái) cùng bạn bè trải nghiệm không khí Tết của người Mông.

Trong khi đó, bà Nhâm đặc biệt ấn tượng với ẩm thực ngày Tết của các dân tộc: “Mỗi món ăn không chỉ thơm ngon mà còn mang trong mình những câu chuyện, ý nghĩa riêng. Tôi cảm giác như được đi du lịch trải nghiệm nhiều nơi chỉ trong một ngày”.

Cả hai vợ chồng ông Mạo đều mong có dịp quay lại và hy vọng nơi đây sẽ phát triển thành một trung tâm văn hóa - lễ hội lớn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.

Khuyến khích mọi người cùng chung tay bảo tồn văn hóa

Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung khẳng định rằng, sự đa dạng văn hóa của 54 dân tộc chính là lợi thế lớn, góp phần thu hút du khách đến với Làng.

Ông Trịnh Ngọc Chung chia sẻ: "Năm nay, chúng tôi tập trung tái hiện các nghi lễ độc đáo, mời đồng bào dân tộc từ nhiều vùng miền về giao lưu. Không khí lễ hội vui tươi, phấn khởi, đặc biệt trong dịp Tết đến, Xuân về. Các hoạt động không chỉ mang đến niềm vui mà còn truyền cảm hứng, khuyến khích mọi người chung tay gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp”.

Nhấn mạnh vai trò của văn hóa và con người trong phát triển du lịch, ông cho biết đây chính là hai yếu tố cốt lõi cần được quan tâm, đầu tư để tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

"Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú, khác biệt. Chính sự đa dạng này là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch bền vững, không chỉ ở Hà Nội mà còn trên cả nước”, đại diện Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam khẳng định.

Ban Quản lý tổ chức Lễ dựng cây Nêu tại không gian Làng.

Mỗi dịp Xuân về, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là nơi gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc, nơi để mỗi người tìm về với bản sắc truyền thống.

Không khí Tết rộn ràng, những hoạt động văn hóa đặc sắc, sự kết nối giữa các dân tộc anh em đã khiến nơi đây trở thành một điểm hẹn không thể bỏ lỡ mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Những lời chia sẻ chân thành từ du khách chính là minh chứng cho sức hút mạnh mẽ của Làng - một bảo tàng sống động về truyền thống dân tộc giữa lòng Thủ đô.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Báo Quân đội Nhân dân – qdnd.vn – Đăng ngày 31/01/2025
Từ khóa: Cây nêu, du lịch, Hà Nội, Làng văn hóa du lịch

Tin liên quan

Du lịch làng hương Phú Lộc (Quảng Nam)

Làng hương Phú Lộc (Quảng Nam), một trong những làng nghề làm hương truyền thống lâu đời nhất miền Trung, đã tồn tại và phát triển hơn một thế kỷ qua.

Lộc An khởi điểm cho du lịch cộng đồng

Hiện nay, tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đang thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu lễ hội văn hóa truyền thống, ẩm thực; cung ứng các dịch vụ du lịch… Chính quyền địa phương, người dân tích cực phổ biến thông

Sầm Sơn hướng tới mùa du lịch văn minh, an toàn

Bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa Thủ đô trước áp lực đô thị hóa

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025: Công nghệ xanh để đại dương bền vững

Xem tiếp

Tin nổi bật

Lộc An khởi điểm cho du lịch cộng đồng

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025: Công nghệ xanh để đại dương bền vững

Du lịch biển Huế 2025: Vừa đáp ứng dịch vụ, vừa chú trọng an toàn

Điểm đến đẹp nhất thế giới – tự hào và trách nhiệm

Điểm đến Bình Thuận với “Trải nghiệm bất tận”

Xem nhiều nhất

Enchanting journey to Binh Chau Beach
Bình Định: Triển khai các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Kiên Giang: Bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Bình Định: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam
No posts found

Cơ quan chủ quản: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị thực hiện: TRUNG TÂM THÔNG TIN DU LỊCH

Địa chỉ: Số 33, ngõ 294/2 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Thông tin du lịch

Giấy phép số: 78/GP-TTĐT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2020

Lượt truy cập:

79032765

DANH MỤC CHÍNH

  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
  • Trang chủ
  • Tin tức, sự kiện
  • Du lịch xanh
  • Biến đổi khí hậu
  • Văn hoá, di sản
  • Chương trình dự án
  • Mô hình, kinh nghiệm
  • Phóng sự ảnh
  • Video
nentangso
ic-dulichvn-org
ic-vietnam-travel
ic-moitruogndulich-vn
© TITC