Du lịch không phát thải khí nhà kính (hay còn gọi là du lịch net zero) hiện được coi là một trong những bậc phát triển cao nhất của du lịch xanh, du lịch bền vững. Thực tế ở Việt Nam đã có một số mô hình hướng tới net zero, bước đầu có hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích.
Trách nhiệm với net zero
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050. Du lịch được kỳ vọng là ngành quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu này. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện là quốc gia có trách nhiệm, cam kết thực hiện các điều ước đã đề ra, tôn trọng những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Việt Nam nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ và tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống người dân một cách bền vững khi phát triển du lịch xanh, mà cao hơn là du lịch net zero".

Các hoạt động tại nhà hàng The Field (Hội An, Quảng Nam) đều hướng tới giảm thiểu rác thải và thân thiện môi trường.
Du lịch net zero cũng là một dạng thức của du lịch để hướng tới phát triển bền vững nhưng đòi hỏi cao hơn. Nghĩa là làm du lịch xanh, bền vững rồi nhưng chưa chắc đã đạt tới các tiêu chí của net zero. Thực tế Việt Nam cũng đang có những doanh nghiệp du lịch chủ động hướng tới net zero.
Đúng như tên gọi mang nghĩa cánh đồng, nhà hàng The Field (thuộc Công ty TNHH Emic Hospitality) nằm giữa đồng lúa bát ngát, mênh mông của xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). The Field được du khách cả trong và ngoài nước yêu thích bởi sự gần gũi với thiên nhiên trong một hệ sinh thái nông nghiệp được gìn giữ, bảo tồn, khôi phục. Đến nhà hàng The Field, chúng tôi gặp chị Phạm Thị Thanh Hiệp, quản lý nhà hàng đang cùng một nhân viên gom rác rồi đem cân. Giải đáp thắc mắc của chúng tôi vì sao phải làm như vậy, chị Phạm Thị Thanh Hiệp cho biết: “Rác thải từ nhà hàng đều được chúng tôi phân loại rồi cân đo cẩn thận. Tất cả số liệu thống kê được tính toán để phục vụ cho việc tái sử dụng và giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường hoặc đề xuất với đối tác để giảm rác thải khó phân hủy như túi ni lông, vỏ chai…”.
Tìm hiểu thêm về cách vận hành của nhà hàng theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, chúng tôi được biết ngoài sử dụng năng lượng tái tạo, tích cực phục hồi hệ sinh thái nông nghiệp, mỗi bộ phận của The Field đều có một cuốn sổ và một cái cân. Các bộ phận ghi chép số lượng rác thải trong quá trình chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, quản lý chất thải… Từ đó, nhà hàng có thể tính toán số lượng phát thải giảm được so với thông thường. Bền bỉ theo đuổi hành trình này, ngày 25/4/2024, The Field trở thành nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam nhận Chứng nhận vàng bạch kim về giảm khí thải carbon do Magnus International (Thái Lan), một công ty hàng đầu trong lĩnh vực quản lý dự án bù đắp carbon và môi trường trao tặng.
Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) cũng là một trong những đơn vị tiên phong nỗ lực thực hiện việc bảo vệ môi trường. Với tour khám phá hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), công ty hạn chế chỉ đón 1.000 khách/năm. Trong hành trình tour, toàn bộ rác thải đều được thu gom và mang về xử lý chứ không để lại trong rừng, trong hang động. Tại nơi khách nghỉ dưỡng trước và sau hành trình tham quan, thám hiểm, toàn bộ hệ thống đều sử dụng năng lượng tái tạo… Ở lĩnh vực lữ hành, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đã triển khai Go Green từ năm 2013 tại khắp các tỉnh, thành phố, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhưng thiết thực như: Phát túi ni lông tự hủy cho du khách trên các hành trình tour; dọn vệ sinh, thu gom rác tại các điểm du lịch… Công ty cũng triển khai đo mức độ phát thải khí nhà kính của mỗi khách du lịch trong một chuyến đi, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất để giảm phát thải.
Lợi ích bền vững của net zero
Thực tế cho thấy, bên cạnh những lợi ích mang lại cho quốc gia, khi thực hiện du lịch net zero, các công ty cũng được hưởng lợi trực tiếp. Lý do là vì môi trường sinh thái là nguồn tài nguyên để các công ty khai thác du lịch. Ngày càng nhiều du khách quan tâm đến những lựa chọn du lịch bền vững và sẵn sàng trả thêm tiền cho những trải nghiệm thân thiện với môi trường. Du lịch net zero giúp nâng cao hình ảnh của điểm đến du lịch, thu hút khách du lịch (chất lượng cao) và xây dựng thương hiệu du lịch bền vững. Du lịch net zero cũng có thể thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ du lịch mới, đồng thời tạo việc làm cho cộng đồng… Anh Nguyễn Văn Nhân, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững (Công ty TNHH Emic Hospitality) cho rằng: “Làm du lịch net zero nói riêng, du lịch bền vững nói chung đòi hỏi sự dấn thân, chịu khó và quyết tâm cao để đóng góp cho cộng đồng, xã hội và bản thân”.
Lợi ích là vậy nhưng hiện nay chưa nhiều công ty, điểm đến thực hiện được du lịch net zero. Chị Phạm Thị Thanh Hiệp chia sẻ: “Nhiều người đã đến nhà hàng The Field để tìm hiểu, học tập mô hình làm du lịch net zero nhưng chi phí phát sinh và đòi hỏi cao về nhân lực khiến họ bỏ cuộc”. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn với việc đo lường chính xác lượng khí phát thải ra môi trường hay thông tin về cách giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường trong ngành du lịch… Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất: “Chỉ một vài doanh nghiệp làm du lịch net zero là chưa đủ mà cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, Chính phủ, cộng đồng địa phương…”.
Bài và ảnh: Thái Linh
Báo Quân đội Nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 19/02/2025