Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã và đang kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), khi tình trạng mua bán ĐVHD trái phép diễn ra ngày càng nhiều, nhất là trên không gian mạng.

Hình ảnh cắt từ phim ngắn truyền thông bảo vệ động vật hoang dã “Facebook - Hãy thức tỉnh!” của ENV. Ảnh minh họa của ENV
Truyền thông bảo vệ ĐVHD
ENV vừa ra mắt phim truyền thông bảo vệ ĐVHD: “Facebook - Hãy thức tỉnh!”. Với thời lượng hơn 2 phút, bộ phim nêu thực trạng mua bán ĐVHD trái phép đang diễn ra trên Facebook thời gian qua và kêu gọi mọi người truyền thông điệp bảo vệ ĐVHD.
Từ năm 2004 đến nay, ENV liên tục phát hành các phim ngắn truyền thông với thời lượng 2-3 phút về nội dung bảo vệ ĐVHD và thực hiện các phóng sự nhằm cung cấp thông tin, góc nhìn, nhận định, đánh giá từ các chuyên gia về vấn đề liên quan tới ĐVHD tại Việt Nam. Những hoạt động, tin tức về thiên nhiên, bảo tồn cũng được ENV xây dựng, truyền tải tới mọi người.
Chẳng hạn, qua phim ngắn “Phóng sinh ĐVHD có thật sự thiện lành?”, ENV kêu gọi cộng đồng không tiếp tục mua rùa để phóng sinh, nhằm góp phần bảo vệ rùa đúng cách.
Hay như trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép các loài chim hoang dã, ENV thực hiện phim ngắn “Chim trời kêu cứu” nhằm kêu gọi cộng đồng không tiêu thụ chim trời và cùng chung tay bảo vệ chim hoang dã. Chỉ hơn 2 phút nhưng phim “Chim trời kêu cứu” phơi bày những khoảnh khắc ám ảnh và tàn nhẫn về vấn nạn tận diệt chim trời.

Những cá thể chim hoang dã đang bị tận diệt để phục vụ nhu cầu tiêu thụ. Ảnh minh họa của ENV
ENV cũng thực hiện phóng sự cảnh báo nạn săn bắt, chế biến ĐVHD để làm thuốc. “Việc sử dụng thuốc từ ĐVHD là tiếp tay cho hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép đã và đang hủy hoại đa dạng sinh học trên thế giới. Hàng trăm cá thể tê giác bị săn trộm ở phía nam châu Phi mỗi năm. Hàng trăm cá thể gấu bị săn bắt trái phép từ tự nhiên và sống cả đời trong chuồng cũi chật hẹp. Hổ bị săn lùng ráo riết và có thể đã tuyệt chủng trong tự nhiên Việt Nam. Hãy nói không với sử dụng thuốc từ ĐVHD” - ENV kêu gọi.
Cộng đồng trách nhiệm
ENV cho biết, tình trạng mua bán ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD trực tuyến trên mạng xã hội càng trở nên phổ biến ở Việt Nam.
ENV nhận định: “Do không phát hiện và không xử lý các vi phạm được thông báo, nên Facebook đã và đang tiếp tay cho tội phạm buôn bán ĐVHD. Mỗi lượt rao bán ĐVHD trên Facebook đều thúc đẩy tình trạng săn bắt, giết hại và buôn lậu ĐVHD. Nếu không có áp lực từ cộng đồng, Facebook sẽ tiếp tục làm ngơ và không chịu thực thi các chính sách do chính họ đưa ra”.

Theo ENV, các vi phạm liên quan đến ĐVHD trên Facebook chiếm hơn 95% tổng số vi phạm trên internet. Ảnh cắt từ phim: "Facebook - Hãy dừng lại!".
Theo số liệu của ENV, các vi phạm liên quan đến ĐVHD trên Facebook chiếm hơn 95% tổng số vi phạm trên internet. Năm 2024, chỉ riêng trên nền tảng Facebook, ENV đã ghi nhận tới 206.927 cá thể sống, bộ phận cùng các sản phẩm khác từ ĐVHD bị rao bán.
Từ tháng 2/2025, vào mỗi thứ tư tuần thứ ba hằng tháng, ENV dành một ngày để phối hợp với các tình nguyện viên và người dân cùng chung tay giảm thiểu các vi phạm liên quan đến ĐVHD trên nền tảng Facebook, đó là “Ngày đấu tranh với các vi phạm về ĐVHD trên không gian mạng” để gửi khiếu nại tới Facebook.
Theo đó, mỗi tháng ENV sẽ cung cấp đường dẫn của 10-15 tài khoản hoặc hội nhóm chuyên quảng cáo, buôn bán trái phép các cá thể hay sản phẩm từ ĐVHD trên Facebook.

Thông điệp không tiêu thụ chim hoang dã, ảnh cắt từ phim ngắn truyền thông của ENV.
Theo đó, các thành viên tham gia dành khoảng 10 phút và cùng thực hiện thao tác khiếu nại về các vi phạm này đến Facebook với cách: truy cập đường dẫn từ ENV để xem danh sách tài khoản/nhóm vi phạm; báo cáo trực tiếp trên Facebook: chọn mục “Báo cáo bài viết/nhóm” → “Buôn bán ĐVHD trái phép”; chia sẻ thông tin để lan tỏa sự kiện.
ENV kêu gọi, mỗi người dân có thể góp phần bảo vệ ĐVHD bằng cách thức đơn giản nhất là không tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD và thông báo dấu hiệu vi phạm đến đường dây nóng miễn phí 1800-1522.
Châu Nữ