Lấy ý tưởng từ tuyến tàu điện - biểu tượng Hà Nội một thời với 5 tuyến tàu Bạch Mai, Bưởi, Hà Đông, Cầu Giấy, Yên Phụ, UBND phường Trúc Bạch (Hà Nội) vừa ra mắt Tuyến tàu điện số 6 - Chuyến tàu đêm di sản, một mô hình du lịch đặc thù kết hợp giữa trải nghiệm văn hóa, du lịch và ẩm thực...

Du khách tham dự buổi giới thiệu "Tuyến tàu điện số 6" và Triển lãm ẩm thực trà cổ thụ Shan tuyết. Ảnh: M.H.
Ấn tượng với Tuyến tàu điện số 6
Sau 6 tháng thử nghiệm, mới đây, UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đã ra mắt mô hình du lịch đặc biệt “Chuyến tàu đêm di sản” với những trải nghiệm, khám phá ẩm thực, du lịch rất độc đáo. Có thể nói, đây là sản phẩm du lịch trọng điểm được quận Ba Đình đầu tư rất công phu với mong muốn góp phần phát huy các tiềm năng, thế mạnh khu vực hồ Trúc Bạch, kết nối giá trị di sản văn hóa Thủ đô.
Ông Nguyễn Dân Huy - Bí thư Đảng ủy phường Trúc Bạch cho biết: “Chuyến tàu đêm di sản” với sứ mệnh kết nối các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống với không gian cảnh quan hồ Trúc Bạch và đặc biệt là các di sản vật thể, phi vật thể của Hà Nội, qua các trải nghiệm về văn hóa, du lịch và ẩm thực, giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa đặc trưng của địa phương, đồng thời tạo ra trải nghiệm du lịch độc đáo và ý nghĩa.
“Trước kia Hà Nội có 5 tuyến tàu được xây dựng từ thế kỷ 19 nhưng đã dừng hoạt động. Với mong muốn kết nối giá trị lịch sử dành cho thế hệ tương lai, chúng tôi đặt tên dự án là Tuyến tàu điện số 6 với mong muốn chuyến tàu sẽ chuyên chở di sản tiếp tục kết nối lịch sử đến hiện tại và thế hệ tương lai” - ông Huy nhấn mạnh.
Trong điểm khởi hành đầu tiên, du khách sẽ đến tham quan đền Thủy Trung Tiên - ngôi đền linh thiêng nằm trên hòn đảo nhỏ (xưa là đền Cẩu Nhi, gắn với sự tích vua Lý Công Uẩn dời đô năm Canh Tuất 1010, lập nên thờ Thần cẩu). Nghe giới thiệu về lịch sử vùng đất Trúc Bạch - nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa, các nghề truyền thống như dệt lụa, đúc đồng - một trong bốn nghề tinh hoa bậc nhất của Kinh thành Thăng Long - Hà Nội.
Có thể nói, trên chuyến tàu di sản, mỗi toa tàu kể cho du khách những câu chuyện rất thú vị của người Hà Nội qua các thời kỳ. Bước vào toa tàu "Bếp - Chạn - Mâm", người ta như lắng đọng với không gian Hà Nội thời bao cấp với chạn gỗ, mâm cơm không thịt, tem phiếu. Rồi toa “Phở - Bún - Sợi” thơm nức mùi quế, hồi, thảo quả - những thứ gia vị làm nên món phở Việt - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó là sự biến tấu của phở với món phở cuốn, phở chiên phồng “đặc sản” Đảo Ngọc - Ngũ Xã…
Đặc biệt, phòng điều hành của dự án này mang tên “Leng keng di sản” được đặt ngay tại Trụ sở UBND phường Trúc Bạch. “Trong dự án này chúng tôi cộng tác với rất nhiều người trẻ. Và khi người trẻ làm sáng tạo phải đặt họ trong môi trường sáng tạo, nếu đặt họ trong môi trường hành chính sẽ không thể tạo ra sản phẩm tốt. Vì vậy phòng điều hành dự án được thiết kế dưới dạng mô hình căn hộ của người Hà Nội với gác xép, khung cửa gỗ màu xanh, chiếc máy khâu, xe đạp Thống Nhất, tủ thuốc gia đình, radio, bộ salon gỗ bóng màu thời gian… Qua đó, chúng tôi muốn gửi gắm tới các bạn trẻ cần phải biết trân quý các giá trị văn hóa truyền thống. Từ trân quý đó các bạn sẽ có ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản” - ông Huy chia sẻ.

Một hoạt cảnh kịch tính trong "Đêm thiêng liêng 2" của di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Khai thác giá trị di sản theo cách mới lạ
Thời gian gần đây, phát triển tour du lịch đêm trở thành sản phẩm du lịch đặc thù được TP Hà Nội làm khá tốt. Có thể nói, sự ra đời của các tour du lịch đêm đã trở thành điểm nhấn trong bức tranh du lịch của Thủ đô, góp phần thu hút và giữ chân khách quốc tế đến và ở lại Hà Nội lâu hơn.
Hiện thành phố đang khai thác các tour du lịch đêm như: “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, “Đêm thiêng liêng” tại Nhà tù Hỏa Lò; “Chữ Tâm, chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam; "Tinh hoa đạo học" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các tour du lịch này thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Trong đó, với tour du lịch “Tinh hoa đạo học” du khách được trải nghiệm một không gian về đêm vô cùng huyền ảo với hệ thống âm thanh, ánh sáng và công nghệ 3D Mapping, khác biệt hoàn toàn so với việc tham quan di tích ban ngày. Điểm đặc biệt của tour đêm nằm ở sân Thái Học khi du khách được xem trình diễn 3D Mapping về những câu chuyện liên quan đến trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam, thể hiện trong các chủ đề: Trường thi, các sĩ tử thời xưa, ý chí, ước mơ đỗ đạt, học tập ôn luyện, cá chép hóa rồng…
Tour đêm khám phá Hoàng thành Thăng Long hay “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh những sản phẩm trải nghiệm ban ngày, vào các tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần, Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức các chương trình như “Đêm thiêng liêng 1” - Sáng ngời tinh thần Việt; Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa và Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân tái hiện những câu chuyện về sự dũng cảm của những chiến sĩ trẻ tuổi… Với các hoạt động như trải nghiệm hoạt cảnh tái hiện khung cảnh đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng và lắng nghe câu chuyện của những nhân chứng sống đã mang đến nhiều cảm xúc trong lòng du khách.
Có thể nói, du lịch đêm từ hệ thống các di sản tại Hà Nội hiện nay đang khai thác hiệu quả giá trị văn hóa - lịch sử vốn có của Thủ đô, đồng thời đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng đa dạng của du khách. Rất nhiều du khách nước ngoài quan tâm đến tour đêm di sản với mong muốn được khám phá văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đặc sắc của Thủ đô. Ban đêm cũng là thời điểm lý tưởng để tạo không gian huyền ảo, tôn vinh chiều sâu lịch sử - văn hóa một cách sống động, hấp dẫn hơn.
Hấp dẫn là vậy, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia, chúng ta vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của du lịch di sản. Hiện nhiều di tích chưa đủ điều kiện để hoạt động ban đêm, như thiếu hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, lối đi an toàn, bảng hướng dẫn đêm, phòng cháy chữa cháy. Chúng ta cũng đang thiếu hướng dẫn viên hiểu sâu về văn hóa - lịch sử có thể kể những câu chuyện hấp dẫn cho du khách. Đội ngũ nghệ thuật hóa di sản (đạo diễn, thiết kế kịch bản, âm thanh ánh sáng) còn thiếu hoặc chưa được đầu tư đúng mức. Ngoài ra, các tour đêm cũng cần đầu tư lớn về công nghệ trình chiếu, ánh sáng, an ninh, bảo hiểm…
Vì vậy, để có thể khai thác tốt hơn tiềm năng các tour du lịch đêm từ di sản, theo các chuyên gia rất cần một chiến lược tổng thể, sự phối hợp hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo. Đặc biệt là một chiến lược truyền thông đủ mạnh để tạo ra các tour du lịch đêm giàu bản sắc và hấp dẫn hơn.

Ông Nguyễn Dân Huy giới thiệu về phòng điều hành dự án lấy tên “Leng keng di sản”.
Ông Nguyễn Dân Huy - Bí thư Đảng ủy phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, tour du lịch “Chuyến tàu di sản” sẽ đưa du khách trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi được thăm quan các di tích lịch sử, tìm hiểu tín ngưỡng, văn hóa dân gian, trải nghiệm ẩm thực địa phương, giao lưu với cộng đồng dân cư, đặc biệt được ngắm một Hà Nội của thời bao cấp với rất nhiều những nét văn hóa vô cùng độc đáo.
Trong dự án này, chúng tôi có sự cộng tác rất tốt với các bạn trẻ bởi họ vừa là đối tượng sáng tạo, vừa là đối tượng thụ hưởng. Chúng tôi muốn người trẻ phải tư duy theo cách bạn trẻ suy nghĩ, đó cũng là cách để di sản tiếp cận được với người trẻ dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.
Mai Hoa