Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu. Điều này có ý nghĩa quan trọng cho phát triển du lịch bền vững của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và khu vực miền núi Bắc Bộ nói chung.
Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn trải rộng trên toàn bộ phạm vi địa giới hành chính các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn, một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia và một phần huyện Cao Lộc với tổng diện tích 4.842,58 km2, dân số gần 627.000 người, chiếm khoảng 58% diện tích và 78% dân số của tỉnh.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vùng Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn chủ yếu được hình thành khoảng 500 triệu năm trước đến nay, được phân chia thành 24 hệ tầng địa chất, trong đó có 15 hệ tầng lần đầu tiên được xác lập tại Lạng Sơn. Hàng loạt hóa thạch và phân vị địa chất có nguồn gốc, độ tuổi khác nhau, thể hiện trên các tầng đá lục nguyên, đá núi lửa, đá carbonat và đá biến chất được tìm thấy, trong đó có nhiều giống loài cổ sinh vật lần đầu tiên được tìm thấy tại Lạng Sơn như: Địa điểm ký ức biển từ kỷ Cambri khoảng 500 triệu năm tại xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn; phong phú hóa thạch kỷ Devon khoảng 420 triệu năm tại điểm sự sống cổ dưới đại dương xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng…
Trong đó, phức hệ hóa thạch phát hiện tại trũng Na Dương, huyện Lộc Bình được hình thành khoảng 40 triệu năm trước. Tại đây, quá trình khai thác than đã phát hiện phức hệ hóa thạch động, thực vật khổng lồ rất phong phú và đa dạng: Tê giác, thú than, linh trưởng, cá sấu, rùa, kỳ đà, các loài cá, nhuyễn thể trai ốc và dày đặc hóa thạch thực vật… tiêu biểu cho sự sống trong môi trường hệ sinh thái sông hồ, đầm lầy và rừng nhiệt đới vùng Đông Nam Á.
Đáng chú ý, trong hang Thẩm Khuyên-Thẩm Hai và nhiều hang động khác trong khối đá vôi Bắc Sơn đã phát hiện hóa thạch của người đứng thẳng có niên đại khoảng 500.000 năm trước, cho thấy khu vực này đã là một trong những cái nôi sớm nhất của người cổ đại ở Việt Nam.

Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn với hệ thống đồ sộ, độ dài lớn, trong hang có nhiều thạch nhũ.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn: Tiềm năng di sản địa chất ở Lạng Sơn khá phong phú, thể hiện qua hệ thống các hang động rất nhiều và đồ sộ, độ dài lớn, trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều dạng, hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn. Những tài nguyên này là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch vùng công viên địa chất như: Thám hiểm hang động, leo núi thể thao, dù lượn, trekking…
Nhằm khai thác những lợi thế về di sản địa chất, văn hóa độc đáo phục vụ công tác phát triển du lịch, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp xây dựng và phát huy giá trị di sản vùng công viên địa chất, xây dựng bốn tuyến du lịch mang chủ đề “Khám phá thế giới thượng ngàn”, “Hành trình về miền thiên giới”, “Cuộc sống dân dã nơi trần thế”, “Khám phá thủy cung” với 38 điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo…
Trong đó, với chủ đề Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng, các tuyến, điểm du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn đang được hình thành trên nền tảng gắn kết các địa điểm tiêu biểu về lịch sử tiến hóa liên tục của sự sống và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, với các di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử hình thành thế giới tự nhiên và cảnh quan địa chất, sự đa dạng về văn hóa và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lạng Sơn.
Khám phá thế giới Thượng Ngàn là hành trình tham quan gắn với màu áo xanh của Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Tuyến du lịch này có 8 điểm, quãng đường khoảng 120 km, khởi nguồn từ đền Bắc Lệ của huyện Hữu Lũng - một trong những trung tâm trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng của người Việt, cùng với đó là các điểm di sản địa chất đặc trưng thung lũng núi đá vôi, thung lũng thần tiên Đồng Lâm thơ mộng, các làng bản homestay yên bình của người Tày xã Hữu Liên, khu di tích lịch sử Ải Chi Lăng, chứng tích của các vụ phun trào núi lửa lục địa…
Hành trình về miền Thiên giới là tuyến du lịch gắn với màu áo đỏ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh với 11 điểm tham quan, quãng đường khoảng 130 km. Những địa danh như cầu Khánh Khê, rừng hồi Xứ Lạng, hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, Dòng sông ngầm tại điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm… gắn các giá trị di sản địa chất, quá trình tiến hóa sự sống tiêu biểu của loài người với dấu tích của người tiền sử lâu đời nhất Việt Nam có niên đại 475.000 năm, từ nền Văn hóa Bắc Sơn cho đến vùng quê hương cách mạng quật khởi yên bình ẩn hiện trong thung lũng lúa vàng tạo nên một hành trình tham quan kỳ thú.
Cuộc sống dân dã nơi trần thế là tuyến du lịch gắn với màu vàng đặc trưng của Thánh Mẫu Địa. Có 9 điểm tham quan trên hành trình khoảng 130 km, khởi nguồn từ huyện Bắc Sơn. Đón bình minh trên làng bản văn hóa Tày xã Quỳnh Sơn, trải nghiệm nghề làm ngói âm dương thủ công truyền thống, những cánh rừng hồi Văn Quan xanh ngút mắt, đến cảnh quan cát-tơ thung lũng đá vôi, thăm đền Chầu Mười linh thiêng giữa núi rừng, trải nghiệm nghề truyền thống cao khô Vạn Linh với đồng bào dân tộc Nùng, tận mắt chiêm ngưỡng các hóa thạch động vật biển kỷ Devonian gần 400 triệu năm trước hay hóa thạch Cúc đá huyện Chi Lăng, chinh phục Hang Gió kỳ vĩ…
Khám phá Thủy cung gắn với màu áo trắng của Thánh Mẫu Thoải, có 10 điểm tham quan trên quãng đường khoảng 80 km. Bắt đầu từ chùa Tam Thanh, theo quốc lộ 4B đi về hướng Lộc Bình. Qua chùa Bắc Nga thâm nghiêm cổ kính, hành trình đến với vùng núi Mẫu Sơn ẩn hiện trong mây núi quanh năm trong lành mát mẻ. Hành trình còn qua các điểm thác Bản Khiếng, chùa Tiên, đền Mẫu Thoải linh thiêng…

Thung lũng Đồng Lâm, huyện Hữu Lũng thu hút du khách khi đến khám phá Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, hướng đến xây dựng Công viên địa chất là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã xúc tiến, vận động các nguồn tài trợ, hỗ trợ trong nước và quốc tế cho việc xây dựng, phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn; tăng cường giới thiệu, quảng bá Công viên địa chất tỉnh thông qua các hoạt động đối ngoại, các kênh ngoại giao và công tác thông tin đối ngoại.
Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã tích cực, chủ động tham gia hơn 50 hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu Việt Nam như: Chương trình đào tạo trực tuyến của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và phát triển bền vững”; Diễn đàn trực tuyến do Mạng lưới Công viên địa chất Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức; Hội nghị quốc tế về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO…
Cùng với đó, Ban Quản lý còn tham gia các hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá kết quả hoạt động năm của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam và định kỳ họp trao đổi chuyên môn với mạng lưới Công viên địa chất trong nước và quốc tế; tổ chức làm việc trực tuyến với một số đối tác nước ngoài như: Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; Trung tâm Đào tạo đô thị quốc tế, Chính quyền tỉnh Gangwon, Hàn Quốc; Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Quần đảo Oki…
Việc UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển du lịch bền vững của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và khu vực miền núi Bắc Bộ nói chung. Đây cũng là cơ hội tạo thêm động lực, tập trung nguồn lực hơn nữa để tỉnh Lạng Sơn tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài ra, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn sở hữu những giá trị độc đáo, tiêu biểu, nổi bật có thể đóng góp, bổ sung quan trọng vào chương trình bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống Công viên địa chất toàn cầu.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn: Năm nay kỷ niệm 10 năm thành lập và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu quy tụ các lãnh thổ được công nhận về di sản địa chất phong phú - tạo hình đá, núi hoặc núi lửa, hang động, hẻm núi, địa điểm hóa thạch hoặc cảnh quan sa mạc cổ đại - nơi chứng kiến cho lịch sử, sự tiến hóa của hành tinh chúng ta và khí hậu. Những địa điểm này cũng là nơi để bảo tồn và giáo dục môi trường, nơi các cộng đồng địa phương và bản địa có thể quảng bá văn hóa…/.
Đức Nam