Xây dựng mô hình “chuyển đổi xanh”, khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất, giảm phát thải chất độc hại đang được coi là hướng mở có tín hiệu khả quan, để giải “bài toán khó” ô nhiễm môi trường làng nghề vốn vẫn là mối lo chung của không ít địa phương từ nhiều năm nay. Dẫu vậy, việc triển khai các giải pháp này vẫn là điều không dễ...

Nhờ ứng dụng công nghệ và chú trọng nâng cao tay nghề, sản phẩm làng gốm Bát Tràng ngày càng đẹp và tỷ lệ đạt chuẩn cao. Ảnh: Khoa Đăng
Còn ít mô hình điểm
Tỉnh Quảng Nam là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, với 45 làng nghề được công nhận. Một số làng đã trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, như gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, mộc Đông Khương…
Những năm qua, các làng nghề tập trung vào công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều cam kết bảo vệ môi trường, có quy trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn theo quy định… Đặc biệt, các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà đã đầu tư lò nung khí gas, áp dụng khoa học kỹ thuật vào một số khâu sản xuất nhằm rút ngắn thời gian, giảm nhân công và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ở Hà Nội, các xưởng gốm của làng nghề Bát Tràng cũng đã chuyển sang sử dụng lò nung khí gas hóa lỏng, giúp giảm phần lớn lượng phế phẩm. Theo nghệ nhân Trần Đức Tân, chi phí sản xuất khi dùng lò nung bằng gas rẻ hơn từ 20% đến 40% so dùng lò nung bằng than, tỷ lệ sản phẩm đạt chuẩn lên tới khoảng 95%. Từ đó kích thích các hộ sản xuất, kinh doanh khác cùng sử dụng công nghệ này.
Mới đây, làng gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, và làng dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) đã trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới. Hai làng nghề đã đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn của Hội đồng Thủ công Thế giới dựa trên bốn trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Đây là minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, đồng thời đáp ứng các yêu cầu phát triển xanh và bền vững của thời đại.
Hai làng nghề nổi tiếng bậc nhất cả nước được vinh danh là điều rất đáng tự hào, song nhìn chung, thực tế hoạt động tại các làng nghề vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Việt Nam có tới hơn 5.000 làng nghề, trong đó, gần 900 làng truyền thống đã được công nhận, nhưng số làng nghề đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế chưa nhiều. Ngay như Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, nhưng số lượng làng nghề thực hiện “chuyển đổi xanh” cũng mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, quy mô sản xuất tại rất nhiều làng nghề vẫn manh mún và chưa được “xanh hóa”.
Xây dựng chính sách bao trùm
Những đóng góp của các làng nghề vào phát triển kinh tế ở các địa phương là không thể phủ nhận. Song, do quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, nhiều cơ sở bỏ qua yếu tố bảo vệ môi trường, thực trạng này dẫn đến hệ quả là sự ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của chính người dân sở tại. Trong khi đó, rất nhiều quốc gia không ngừng cập nhật chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, có tiêu chuẩn cao về môi trường cho các mặt hàng nhập khẩu…
Tiến sĩ Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, chỉ ra: Để có thêm làng nghề trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới, tư duy sản xuất, kinh doanh của các chủ cơ sở phải thay đổi theo hướng cải thiện môi trường, phát triển bền vững. Từ đó mới có cơ hội tham gia những “sân chơi” lớn.
Còn theo Tiến sĩ Lê Quang Thắng, giảng viên Trường đại học Phenikaa, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh ở các làng nghề, nhà nước cần có những cơ chế cụ thể, bao trùm và đồng bộ, gồm cả hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và chính sách thị trường. Cụ thể, cần có các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi dành riêng cho hộ sản xuất trong làng nghề để đầu tư máy móc với công nghệ sạch, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải. “Chương trình tín dụng xanh của Ngân hàng Chính sách xã hội có thể mở rộng đến các làng nghề, thay vì chỉ tập trung ở khu vực sản xuất nông nghiệp hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Thắng kiến nghị.
Những năm qua, Bộ Công thương đã phối hợp các địa phương triển khai hiệu quả một số chương trình hỗ trợ làng nghề. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần mở rộng quy mô hỗ trợ và bảo đảm tính liên tục. Có thể hỗ trợ các làng nghề xây dựng chứng nhận “sản phẩm xanh”, “làng nghề sinh thái”, từ đó tạo điều kiện thuận lợi khi tiếp cận thị trường xuất khẩu. Cần có thêm các sàn thương mại điện tử chuyên biệt cho sản phẩm làng nghề thân thiện môi trường, như một hướng đi mới giúp mở rộng đầu ra.
Quyết định số 801/QĐ-TTg, ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam đến 2030, là cơ sở quan trọng để phát triển làng nghề. Để chương trình đạt hiệu quả cao, hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường, tuyên truyền, giáo dục kết hợp kiểm tra, giám sát, góp phần chuyển đổi hành vi sản xuất.
Hải Miên